Kể từ khi toàn tỉnh triển khai kế hoạch từng bước thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường thì số ca nhiễm trong tỉnh cũng tăng theo từng ngày. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 500 - 600 ca/ngày, tương đương với sức chứa của một bệnh viện dã chiến thời đỉnh dịch.
Kể từ khi toàn tỉnh triển khai kế hoạch từng bước thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường thì số ca nhiễm trong tỉnh cũng tăng theo từng ngày. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 500 - 600 ca/ngày, tương đương với sức chứa của một bệnh viện dã chiến thời đỉnh dịch.
Mặc dù đây là tình huống đã được tính đến từ trước, và tỉnh đã có phương án chuẩn bị ứng phó. Ngay từ đầu tháng 11, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế thành lập các trạm y tế lưu động, xây dựng kế hoạch điều trị, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, các vật dụng cần thiết để tổ chức chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà. Đồng thời, thành lập tổ chăm sóc sức khỏe F0 tại cộng đồng. Sở Y tế đã hỗ trợ các trang, thiết bị thiết yếu như bình oxy, máy Spo2, nhiệt kế… và cung cấp gói thuốc A, B và C cho các địa phương. Tuy nhiên, quá tải với tuyến y tế cơ sở là điều hiển nhiên.
Mỗi trạm y tế xã phường, biên chế bình thường chỉ khoảng 4 - 5 người, cho dù thành lập thêm các tổ chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, thì lực lượng này cũng đang căng hết sức. Lực lượng y tế này phải làm việc rất vất vả khi vừa điều trị F0, tiêm vắc xin, xét nghiệm, truy vết cộng đồng, hướng dẫn cách ly tại nhà… Thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 7.400 F0 được điều trị tại nhà, do vậy có tình trạng bệnh nhân F0 gọi điện báo nhưng không ai thăm khám trong vài ngày liền cũng là điều thông cảm.
Thực tế này đặt ra cho chúng ta hai vấn đề, đó là trách nhiệm của cộng đồng và trách nhiệm của Nhà nước.
Đối với cộng đồng, tâm lý chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, bỏ qua khuyến cáo 5K xuất hiện có vẻ ngày càng nặng. Thời điểm này, chưa phải lúc bạn bè ngồi tám với nhau ở quán cà phê cả buổi, chưa phải lúc hào hứng tổ chức ăn nhậu để xả hơi cuối các buổi chiều.
Đối với các cấp chính quyền, thực trạng tất cả các trạm y tế lưu động đều quá tải, nhân viên y tế chịu áp lực công việc quá lớn cần phải được xem xét. Trong khi chúng ta chưa có các giải pháp tăng cường nhân lực, chưa có các giải pháp giảm tải cho y tế tuyến cơ sở, nên chăng nghiên cứu, vận dụng các chính sách để có chế độ bồi dưỡng hợp lý cho các đối tượng này, bù đắp phần nào những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ.
Thủy Ngân