Sau 2 năm đối mặt và chống chọi với dịch Covid-19, ước tính cả nước đã thiệt hại khoảng 7% GDP, tương đương với gần 24 tỷ USD, con số không nhỏ đối với nền kinh tế của một quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, năm 2020, Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,8% nhưng cả năm chỉ đạt 2,9%. Năm 2021, dự kiến tăng trưởng 6%, tuy nhiên khả năng thực hiện không quá 3%.
Sau 2 năm đối mặt và chống chọi với dịch Covid-19, ước tính cả nước đã thiệt hại khoảng 7% GDP, tương đương với gần 24 tỷ USD, con số không nhỏ đối với nền kinh tế của một quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, năm 2020, Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,8% nhưng cả năm chỉ đạt 2,9%. Năm 2021, dự kiến tăng trưởng 6%, tuy nhiên khả năng thực hiện không quá 3%.
Riêng TP. Hồ Chí Minh, nơi tâm điểm của dịch bệnh tập trung nhiều lao động và dân cư nhất cả nước, mức thiệt hại đã chiếm khoảng 50% con số nêu trên. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong nước rơi vào tình trạng “tê liệt”, chực chờ phá sản, nền kinh tế của nước ta đã và đang đối mặt với chuỗi đứt gãy thứ tư do Covid-19 gây ra, bao gồm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi tiêu thụ, chuỗi sản xuất cho đến chuỗi quản lý dòng tiền. Phá sản giờ đây không chỉ còn là câu chuyện của riêng doanh nghiệp, mà còn là vấn đề tâm điểm được Đảng, Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận chặt chẽ, chất vấn dân chủ, sôi nổi nhằm đưa ra các giải pháp để khơi dậy mọi tiềm năng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước bao gồm kinh tế, xã hội, ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công,…
Sau 2 năm bùng phát, không thể phủ nhận những mất mát, đau thương quá lớn mà đại dịch đã gây ra cho đồng bào ta, cả về con người và của cải. Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhân dân Việt Nam vốn thầm lặng mà kiên cường, bền bỉ mà vững chãi ấy, chắc chắn đều chung lòng, chung sức để vượt qua những khó khăn, thách thức như chúng ta đã từng trong những cuộc chiến khốc liệt, gian nan trước đây của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã dành phút mặc niệm đối với đồng bào đã tử vong, các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19. Lần đầu tiên trong lịch sử, một buổi lễ tưởng niệm hơn 2,3 vạn đồng bào đã tử vong trong đại dịch Covid-19 được tổ chức bởi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND TP. Hồ Chí Minh cùng với sự tham gia của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như một sự chia sẻ, động viên to lớn cho những mất mát của người đã ra đi; một sự tri ân, biểu dương sâu sắc tới các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vẫn đang tiếp tục ở lại duy trì công tác chống dịch. Những thước phim tài liệu, phóng sự về các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch như “Ranh giới”, “Trở về cuộc sống”… được ra đời đã để lại nhiều ám ảnh trong lòng người xem về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa gang tấc của đoàn tụ và cô độc trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức khó lường.
Đại dịch Covid-19, hơn bất cứ lúc nào hết, thôi thúc chúng ta phải đặt ra câu hỏi, rằng liệu chúng ta đã thực sự yêu thương nhau đủ nhiều chưa? Vì bất kì cuộc gặp nào, dòng tin nhắn nào, đều có thể là “lần cuối”. Chứng kiến những cuộc sinh ly tử biệt do đại dịch gây ra, hàng trăm em nhỏ sinh ra đã mất mẹ ngay từ giây phút lọt lòng, hàng nghìn y, bác sĩ đã nhiễm bệnh và đã có những người ngã xuống trên tuyến đầu chống dịch, hàng triệu những người neo đơn, thất nghiệp mà dù có Covid-19 hay không thì cuộc sống của họ đã quá vất vả với những bươn chải, mưu sinh. SARS-CoV-2 đã mang tới cho nhân loại quá nhiều mất mát, nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng mạnh mẽ mà nó đem lại nhắc nhở chúng ta về những giá trị sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội mà tưởng chừng như đã bị lãng quên từ lâu. Rất nhiều tổ chức, cá nhân từ thiện đã cùng chung tay tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu bằng những suất cơm, phần quà ý nghĩa, rất nhiều chiến dịch đã được phát động như “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam khởi xướng với gần 1.500 tăng, ni, cư sĩ, phật tử hưởng ứng tham gia. Vào giữa thời bình, tự bao giờ việc được nhìn thấy những người thân xung quanh trở về khỏe mạnh, hiện hữu nụ cười ấm áp đã trở thành một điều đầy thiêng liêng và biết ơn. Tự bao giờ, Covid-19 làm chúng ta ý thức rõ hơn bao giờ hết, rằng con người ta không những chỉ cần sống khỏe, mà còn cần phải sống hạnh phúc, sống có ý nghĩa. Chúng ta không chỉ cần học cách chấp nhận những tổn thất, thích nghi và khắc phục nó, mà còn cần phải cố gắng làm ánh lên những hào quang rực rỡ của tình yêu thương, của nghĩa cử đồng bào cao đẹp, cùng sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh hơn trong đại dịch.
Đối diện với những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 bằng một thái độ sống nhân ái, tích cực là chìa khoá để thích nghi và vượt qua đại dịch một cách lạc quan hơn. Để đạt được điều đó, với sự vào cuộc cấp bách của cả chính quyền và người dân, trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước sẽ lại được đến trường vào một ngày không xa, tiến độ phủ vắc xin ngừa Covid-19 ngày một tăng nhanh, cuộc sống “bình thường mới” với “5K” dần trở thành quy tắc tuân thủ tất yếu, như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ chiến thắng, như nhiều lần dân tộc Việt Nam ta đã từng chiến thắng!”.
AN MAI