03:11, 26/11/2020

Để khai thác thủy sản bền vững và trách nhiệm

Khánh Hòa là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển khai thác thủy sản, với đội tàu khai thác lên đến hơn 4.200 chiếc. Trong đó, 748 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, công suất lớn, có trang thiết bị hàng hải, ngư cụ hiện đại chuyên khai thác ở các vùng biển xa.

Khánh Hòa là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển khai thác thủy sản, với đội tàu khai thác lên đến hơn 4.200 chiếc. Trong đó, 748 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, công suất lớn, có trang thiết bị hàng hải, ngư cụ hiện đại chuyên khai thác ở các vùng biển xa. Hoạt động khai thác thủy sản của đội tàu trong tỉnh đã đáp ứng được gần 50% nhu cầu nguyên liệu cho 44 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong tỉnh và hơn hết, ngành khai thác thủy sản đang giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nghề biển.


Để phát triển nghề khai thác thủy sản một cách bền vững, có trách nhiệm, tháng 5-2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, nhận thức của ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, không có tàu cá của Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài; công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cũng được thực hiện một cách khoa học hơn, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thủy sản nhanh chóng, chính xác… Khánh Hòa cũng được đánh giá cao khi đã triển khai thành công 3 chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ; trên cơ sở đó, hoạt động của ngư dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.


Theo ông Võ Nam Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững và trách nhiệm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền vận động cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong chống khai thác IUU; hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; cập nhật đầy đủ dữ liệu nghề cá lên hệ thống thông tin quốc gia. Các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá cập bến, rời bến; việc ghi, nộp nhật ký khai thác; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, trong đó chú trọng kiểm tra, đối chiếu hồ sơ chứng nhận nguồn gốc thủy sản lưu trữ tại các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.


Thực tế khai thác thời gian gần đây cho thấy, ngư dân gặp nhiều vấn đề bất lợi khi ngư trường thu hẹp, sản lượng khai thác sụt giảm nghiêm trọng… Những điều này đã tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của chủ tàu và lao động nghề biển. Nhiều chủ tàu mong muốn UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét tăng thêm số chuyến biển được hỗ trợ trong năm theo Quyết định 48 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, thay vì 4 chuyến/năm như hiện nay; đồng thời, UBND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ lắp đặt và cước phí sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá để giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển, thực hiện đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU.


BÍCH LA