11:06, 07/06/2020

Yêu "búp trên cành"

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Câu thơ chan chứa tình thương dành cho trẻ em Việt Nam của Bác cũng là niềm mong mỏi và giao trách nhiệm cho hậu thế thường xuyên chăm lo thế hệ măng non của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Câu thơ chan chứa tình thương dành cho trẻ em Việt Nam của Bác cũng là niềm mong mỏi và giao trách nhiệm cho hậu thế thường xuyên chăm lo thế hệ măng non của đất nước.


Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, các cấp, ngành luôn cố gắng “dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Các em ngày càng được tạo điều kiện phát triển cả về thể chất và tinh thần; được sinh sống, học hành, vui chơi trong môi trường tốt nhất. Tháng 6, Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Ngoài hàng loạt hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức động viên, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực ủng hộ để thực hiện các mục tiêu về trẻ em; tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ..., các cấp, ngành còn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ bị xâm hại, ngược đãi. Tại Khánh Hòa, thống kê cho thấy, giai đoạn 2018 - 2019, hơn 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật được hỗ trợ, chăm sóc, phục hồi chức năng tại cộng đồng và được tư vấn thích hợp. Hầu hết trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tại cộng đồng và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 100% trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc điều trị... Khánh Hòa cũng là một trong những tỉnh duy trì hiệu quả chương trình sữa học đường.


Tuy nhiên, đằng sau những điểm sáng, vẫn còn những góc khuất đáng buồn. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trong phiên giám sát tối cao trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2019, số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm hơn 75% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Tại một số địa phương, tỷ lệ này chiếm hơn 90%. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong những địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất. Đáng lo ngại hơn, kết quả giám sát cho thấy, trẻ bị xâm hại cả ở những nơi được coi là an toàn với trẻ như: gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội; đối tượng xâm hại các em có cả người thân, quen… Đại biểu tỉnh Bắc Kạn nêu, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, hầu hết là clip bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả giám sát cho thấy, 1/3 số trẻ được khảo sát từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó số trẻ em gái gấp 3 lần số trẻ trai. 49/63 tỉnh chưa có nghị quyết chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em, chủ yếu mới lồng ghép vào các nhiệm vụ chung về kinh tế - xã hội nhưng cũng chưa đầy đủ.


Đoàn giám sát của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có giải pháp quyết liệt để giảm số vụ xâm hại trẻ em. Cụ thể, trong năm nay, ban hành hoặc chỉ đạo ban hành 9 văn bản liên quan đến nội dung này, như: bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình, môi trường giáo dục, trên môi trường mạng; quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em... Các địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Chỉ khi triển khai ngay và đồng loạt những giải pháp cần thiết, chúng ta mới tạo ra công cụ mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em, giúp các em thực sự được yêu thương, được dành cho những gì tốt đẹp nhất.


TAM THUẬT