Trong cuộc sống có nhiều hoạt động được pháp luật xác định là hoạt động trái phép như: khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, khai thác cát không phép... nhưng lại tồn tại dai dẳng, nhiều khi ngang nhiên như thách thức các cơ quan chức năng. Khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo các cơ quan, địa phương lại phân trần do lực lượng mỏng, phương tiện tuần tra hạn chế… khó bắt được quả tang nên không thể xử lý.
Trong cuộc sống có nhiều hoạt động được pháp luật xác định là hoạt động trái phép như: khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, khai thác cát không phép... nhưng lại tồn tại dai dẳng, nhiều khi ngang nhiên như thách thức các cơ quan chức năng. Khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo các cơ quan, địa phương lại phân trần do lực lượng mỏng, phương tiện tuần tra hạn chế… khó bắt được quả tang nên không thể xử lý.
Thật lạ, khi những người hoạt động trái phép này có vẻ như nắm vững các quy định pháp luật để tồn tại?
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, từ lâu tỉnh đã cấm hẳn hình thức đánh bắt bằng giã cào, cào sò, lờ dây… Đã tốn nhiều công sức tuyên truyền, đã dành rất nhiều kinh phí để tổ chức tuần tra, truy quét nhưng những cách đánh bắt tận diệt này vẫn ngang nhiên tồn tại. Từ vịnh Vân Phong đến đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều… khi cơ quan chức năng tạm ngưng tuần tra, các ghe thuyền hành nghề lại ngang nhiên đánh bắt.
Mới đây nhất trên vịnh Vân Phòng, ghe giã cào ngày đêm hoạt động như không hề có lệnh cấm. Thậm chí Trạm Thủy sản Vạn Ninh còn biết rõ trên địa bàn huyện hiện có 297 tàu hành nghề giã cào. Hoặc báo cáo năm 2018 của Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết có khoảng 70 phương tiện hoạt động nghề giã cào, cào sò trong vịnh Cam Ranh (trước năm 2017 có 120 phương tiện), tập trung chủ yếu tại các phường Cam Lợi và Ba Ngòi.
Một câu hỏi đặt ra là các ghe tàu hành nghề cấm này hàng ngày vẫn phải neo đậu nơi bến. Lưới giã cào, lờ dây… chất công khai trên tàu. Vậy tại sao các cơ quan chức năng không tiến hành kiểm tra, xử lý ngay tại bến mà phải tuần tra, bắt được quả tang mới có thể xử lý?
Tương tự như những người khai thác cát trái phép. Dọc sông Cái có vô vàn điểm hút cát trái phép nhộn nhịp ngày đêm, nhưng địa phương than không quản lý nổi vì họ lén lút khai thác ban đêm... Vậy ban ngày, nhưng tàu khai thác cát với máy bơm, máy hút... neo các bến dọc sông thì sao không kiểm tra, xử lý? Hơn thế, cát khai thác lên, tập kết lù lù trên bờ nhưng lại phải chờ có xe đến xúc đi mới lập biên bản được.
Thiết nghĩ, một khi chính quyền đã có văn bản xác định những nghề cấm thì những phương tiện hành nghề đó đương nhiên tồn tại không hợp pháp, cần phải được xử lý mà không cần phải bắt quả tang hoạt động. Không thể chấp nhận tình trạng tàu ghe nằm bến, chất cả đống lờ dây nhưng cãi chày cãi cối là tôi không cào sò, nên không được đụng đến. Hoặc cả dàn máy hút cát nằm trên sông, không có mảnh giấy phép khai thác lận lưng nhưng không làm được gì vì tôi đâu có đang hút cát?
Luật pháp sinh ra để đảm bảo xã hội hoạt động trong kỷ cương, trật tự. Nếu quy định pháp luật chưa đầy đủ thì qua thực tiễn, kiến nghị bổ sung, và những gì thuộc thẩm quyền của tỉnh thì có thể vận dụng chứ không thể để bó tay nhau như vậy.
Thủy Ngân