Vụ lật ca nô cao tốc gần đảo Trí Nguyên trên vịnh Nha Trang xảy ra vào khoảng 16 giờ ngày 26-12, đã làm 2 người chết và 1 bé trai bị thương (trong đó 1 người chết và người bị thương là khách nước ngoài).
Vụ lật ca nô cao tốc gần đảo Trí Nguyên trên vịnh Nha Trang xảy ra vào khoảng 16 giờ ngày 26-12, đã làm 2 người chết và 1 bé trai bị thương (trong đó 1 người chết và người bị thương là khách nước ngoài). Vụ việc xảy ra chỉ ít ngày sau khi Ban An toàn giao thông tỉnh có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2019.
Thông tin từ một cán bộ Ban quản lý vịnh Nha Trang, khi xảy ra tai nạn, trên tàu có nhiều người. Lực lượng Công an đang phối hợp các đơn vị liên quan điều tra làm rõ.
Có thể nói, đây là một vụ tai nạn giao thông đường thủy gây đau lòng cho nhiều người, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng quản lý hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cũng như những doanh nghiệp kinh doanh vận tải và cả người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa.
Rồi đây, cơ quan công an sẽ có kết luận điều tra để khẳng định đúng - sai trong vụ việc nói trên. Tuy nhiên, hiện tại, các cơ quan có trách nhiệm cần nghiêm túc rà soát tổng thể các công đoạn quản lý hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, từ khi tàu xuất bến đến khi cập bến trở lại, kể cả việc dự báo để lường trước được những bất ổn trong điều kiện thời tiết xấu trên biển.
Mọi hiện tượng thiên nhiên đều có tính 2 mặt. Biển có lúc dịu êm, lặng lẽ, nhưng cũng có lúc thịnh nộ, thét gào, nhất là trong mùa biển động. Hãy khoan nói đến những phương diện kỹ thuật, độ an toàn của ca nô; những quy định chung khi vận hành ca nô rời bến; và cả chứng chỉ, bằng cấp về chuyên môn của người điều khiển…, những ai đã từng đi biển mới biết được câu chuyện vượt sóng của từng loại tàu thuyền (tàu nhỏ ắt khó vượt được sóng lớn). Mấy hôm nay, biển Nha Trang đang chịu ảnh hưởng không khí lạnh từ phía bắc tràn về nên xảy ra biển động, sóng lớn là đương nhiên, tàu nhỏ khó có thể ra biển. Vậy, khi gió to, biển động, sóng lớn, liệu chiếc ca nô cao tốc mong manh, nhỏ bé kia có thể đủ sức cưỡi được nghìn trùng con sóng mà vẫn an toàn chăng?
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần bổ sung quy định về hoạt động của từng loại tàu thuyền trong từng trường hợp biển cụ thể. Chẳng hạn như trong điều kiện gió cấp nào, sóng ra sao thì ca nô được phép hoạt động… Có như vậy mới tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra; đồng thời càng tăng thêm mức độ đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong hoạt động đường thủy nội địa.
Vụ lật ca nô làm 2 người chết nói trên có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa, nhất là thương hiệu du lịch Nha Trang gắn với biển đảo, Festival Biển. Nhìn sâu xa hơn, năm 2019, Khánh Hòa là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2019 - Nha Trang, Khánh Hòa với chủ đề “Nha Trang - Sắc màu của biển”. Vì vậy, nếu không muốn để du khách đánh giá du lịch biển Nha Trang là điểm đến không an toàn, thiết nghĩ, cơ quan chức năng địa phương nên bổ sung các quy định mới trong hoạt động vận tải khách đường thủy nội địa, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Việc làm cấp thiết này sẽ càng góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa là điểm đến an toàn, thân thiện.
ĐẠI HẢI