10:11, 26/11/2018

Mập mờ hợp đồng lao động

Qua kết quả thanh tra gần 30 doanh nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây, có một điều rất đáng lưu ý là phần lớn nội dung trong hợp đồng lao động được doanh nghiệp ghi mập mờ, chung chung về trách nhiệm, quyền lợi của các bên.

Qua kết quả thanh tra gần 30 doanh nghiệp (DN) của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây, có một điều rất đáng lưu ý là phần lớn nội dung trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) được DN ghi mập mờ, chung chung về trách nhiệm, quyền lợi của các bên. Nhiều DN còn thực hiện ký kết HĐLĐ sai loại hay ký HĐLĐ thử việc nhiều lần với người lao động (NLĐ); lách luật bằng cách ký HĐLĐ dưới 1 tháng, ký hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng dịch vụ... Theo cách làm này của DN thì NLĐ chỉ được nhận lương hàng tháng, còn các quyền lợi khác coi như bằng không. Nếu NLĐ gặp rủi ro trong lao động, hoặc sinh nở, nghỉ hưu… thì không được giải quyết các chế độ mà lẽ ra họ phải được hưởng.


HĐLĐ được xem là văn bản pháp lý quan trọng thể hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và NLĐ. Luật quy định rất rõ về trách nhiệm trong việc giao kết HĐLĐ của NLĐ và người sử dụng lao động. Thế nhưng, nhiều DN ngoài việc mập mờ trong ký kết các điều khoản thì còn tìm đủ mọi cách né ký kết HĐLĐ với NLĐ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, giảm bớt chi phí.


Điển hình như lĩnh vực xây dựng. Do đặc thù là tuyển công nhân theo công trình, nhiều lao động được tuyển dụng bằng hợp đồng miệng, NLĐ nhận lương khoán, chấm công cuối tháng trả tiền, thậm chí có những DN trả tiền công ngay trong ngày. Những lao động này không được hưởng các chế độ về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, hưu trí và tử tuất. Không những vậy, với những người làm ở vị trí công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ không được hưởng các chế độ bồi dưỡng, trang bị bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ… Chính vì vậy, đã có không ít vụ tai nạn lao động ở lĩnh vực xây dựng, NLĐ chỉ được DN hỗ trợ chút ít kinh phí là xong.   

 
Một điều lạ là các DN cố tình làm trái luật nhưng ít khi bị chế tài gì. Có thể NLĐ không biết quyền của mình khi ký kết HĐLĐ nhưng chắc chắn DN phải biết. Do đó, nếu NLĐ không ý thức được thì các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những DN không chấp hành quy định pháp luật lao động làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật của DN, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho NLĐ để chính họ tự giám sát, yêu cầu DN bảo đảm quyền lợi.


PHÚ AN