10:11, 18/11/2018

Cảnh báo tình trạng bẫy lưới chim yến

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Cam Ranh xuất hiện nhiều nhóm người ngang nhiên đến gần khu vực nhà nuôi chim yến, tìm cách bẫy bắt chim yến. Nhiều nhà nuôi chim yến, như nhà yến của ông Nguyễn Văn Tâm, ở  xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh chẳng hạn, bị mất chim yến với số lượng lớn, ước tính tới cả nghìn con.

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Cam Ranh xuất hiện nhiều nhóm người ngang nhiên đến gần khu vực nhà nuôi chim yến, tìm cách bẫy bắt chim yến. Nhiều nhà nuôi chim yến, như nhà yến của ông Nguyễn Văn Tâm, ở  xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh chẳng hạn, bị mất chim yến với số lượng lớn, ước tính tới cả nghìn con.


Những nhóm người này dùng lưới sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy, có diện tích khoảng 5 x 5m, quấn vào 2 cọc tre căng dựng thẳng đứng. Họ dùng máy phát tiếng kêu của chim yến, kèm theo con chim yến mồi đứng giữa lưới… Nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim yến mồi, chim yến ở nhiều phía lao tới, mắc vào lưới. Thời gian các đối tượng bắt chim khoảng từ 5 đến 7 giờ và 15 đến 17 giờ hàng ngày. Không chỉ có ở Khánh Hòa, nhiều địa phương khác như: Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh... cũng có tình trạng tương tự.


Chúng ta đều biết, chim yến cho tổ làm thực phẩm ở Việt Nam là chim yến Hàng (Aerodramus fuciphagus) được phân bố ở vùng Đông Nam Á. Các loài: Aerodramus fuciphagus Amechanus, Aerodramus fuciphagus Vestitus có thể sống trong nhà. Trong đó, Aerodramus fuciphagus Germani là phân loài đặc hữu, phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là loài chim yến cho tổ có chất lượng cao hàng đầu thế giới.


Với nỗ lực quyết tâm cao bảo vệ đàn chim yến, đến nay, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đã phát triển 132 hang yến mới, nâng tổng số hang yến hiện có lên con số 172. Sản lượng yến sào đảo thiên nhiên, theo đó, tăng cao hàng năm. Đến nay, cả nước có trên 3.000 nhà nuôi chim yến ở 36 tỉnh, thành. Đã có rất nhiều nhà nuôi chim yến do Công ty Yến sào Khánh Hòa chuyển giao công nghệ và triển khai nuôi thực tế đã cho sản lượng mỗi năm có tới hơn 100kg tổ yến, lợi nhuận hàng tỷ đồng. Thành công này được nhiều tổ chức trong nước và thế giới đánh giá cao.


Hiện nay, nghề khai thác yến đảo thiên nhiên cũng như nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ đem lại nguồn thu lớn cho nhân sách nhà nước, cho người dân và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.


Theo Công ước của CITES ký tại Washington D.C ngày 1-10-1973, chim yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển. Tại Việt Nam, chim yến thuộc nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành quy định bảo vệ chim yến. Quyết định 170/QĐ-UBND ngày 22-1-2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ: “Nghiêm cấm các hành vi sau đây làm hủy hoại nguồn lợi yến sào, môi trường sinh thái nơi cư trú chim yến: xâm phạm trái phép các đảo yến, hang yến, săn bắt chim yến…”.


Về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với loài ưu tiên bảo vệ, Bộ luật Hình sự sửa đổi các năm 2015, 2017, bổ sung một số tội danh mới quy định tại Điều 234 - Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã: săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB bị xử phạt từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.


Pháp luật đã quy định rất rõ, cả tội danh lẫn mức hình phạt đối với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép... chim yến. Vấn đề còn lại là việc thực thi nghiêm minh pháp luật. Cho nên, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm nói trên, nên chăng, sớm thành lập một tổ chức cụ thể, như hội bảo vệ chim yến chẳng hạn, để nối rộng vòng tay bảo vệ một nguồn gene, một loài chim quý.


PHONG NGUYÊN