11:10, 25/10/2018

Thiệp gửi học sinh

Ngày 20-10 đã qua, nhưng N.P - học sinh lớp 6 một trường Trung học cơ sở ở Nha Trang vẫn thấy vui và xôn xao mãi. Đó là bởi đúng dịp này, em được nhận một món quà cùng tấm thiệp viết tay từ giáo viên.

Ngày 20-10 đã qua, nhưng N.P - học sinh lớp 6 một trường THCS ở Nha Trang vẫn thấy vui và xôn xao mãi. Đó là bởi đúng dịp này, em được nhận một món quà cùng tấm thiệp viết tay từ giáo viên.


“N.P ơi, con bé xíu so với các bạn trong lớp nhưng những gì con đang làm trong quá trình học tập không hề thua kém ai. Điều đó làm cô vô cùng ngưỡng mộ và an tâm. Cô mong con mạnh dạn hơn, hào hứng hơn trong mọi giờ học và các hoạt động…”. Cầm món quà về nhà, N.P hào hứng khoe ngay với mẹ. Cũng như N.P, người mẹ rất vui và chia sẻ, con gái chị phấn chấn vô cùng vì được cô chủ nhiệm gửi những lời chúc đầy ngọt ngào, khích lệ. Món quà bé nhỏ nhưng đong đầy tình cảm!


Những dòng chữ trên tấm thiệp không dài, nhưng chan chứa sự quan tâm. Tâm sự của mẹ con em N.P  cũng ngắn thôi, nhưng đầy xúc động. Tình cảm đó  xuất phát từ sự quan tâm chân thành của cô dành cho trò, như mẹ với con, như chị với em. Lẽ thường, người ta dễ nhận xét, quan tâm những học sinh chậm tiến hoặc học tập, hoạt động xuất sắc. Nhưng sẽ là rất khó, khi nhìn nhận được điểm hay, yếu tố tiềm năng, và cả hạn chế trong những học sinh thích “ẩn mình”, nếu như giáo viên đó không thực lòng quan tâm đến học trò của mình. N.P và các bạn nữ chắc sẽ không quên ngày 20-10 năm nay. Bởi mỗi bạn gái đều được cô tặng một món quà, nhỏ thôi, nhưng kèm theo đó là một tấm thiệp viết riêng cho mỗi trò. Đó không chỉ là lời chúc dành cho “những người cùng phái”, mà còn là lời động viên, khuyến khích những điểm mạnh tiềm ẩn nơi các em. Chính điều đó khiến tất cả phấn chấn, muốn phấn đấu học thật giỏi, hoàn thiện bản thân, phát huy thật tốt thế mạnh của riêng mình, để không phụ trông đợi của cô.


Chợt nhớ lại những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, khi người viết còn là học sinh. Ngày đó, nước mình còn nghèo, vất vả lắm. Thầy cô cũng ít gửi thư cho học trò. Nhưng bước vào năm học mới, các giáo viên đều dành thời gian đạp xe đến từng nhà thăm học trò và gia đình. Bạn nào cha đau, mẹ bệnh; bạn nào mồ côi, sống cùng ông bà già yếu; bạn nào phải đi làm thêm, thiếu ăn, thiếu mặc…, thầy cô đều nắm rõ. Đối với một số hoàn cảnh đặc biệt, người viết cùng vài bạn còn được thầy cô kêu đi cùng, để việc thăm hỏi, trò chuyện thêm gần gũi, tự nhiên. Hết tháng 10, cô và các trò đã có thể cùng chụm đầu, bàn cách giúp các bạn. Bạn thiếu thốn thì cô kêu gọi cả lớp giúp đỡ. Bạn học yếu được cô bỏ công phụ đạo… Cho đến giờ, khi cô trò gặp lại nhau, chẳng mấy bạn nhớ rõ hồi đó học hành ra sao, nhưng gợi lại chuyện đến thăm gia đình bạn là tất cả sôi nổi nói không ngớt. Bởi mỗi chuyến đi đều để lại trong lòng các học sinh ấn tượng riêng. Những ấn tượng đó, cảm xúc đó đã nuôi dưỡng tâm hồn học sinh, để sau này lớn lên, nhiều người lại cố dành thời gian đến thăm những hoàn cảnh khó khăn khác và cảm thấy hạnh phúc khi được san sẻ như ngày nào cô trò cùng nhau chia sẻ đầy vơi khó khăn.


Vài dòng thư, thậm chí là tin nhắn điện thoại, nhưng cô thầy để tâm nhắn nhủ đúng người, đúng nết; hay những chuyến đạp xe lóc cóc về từng nhà học sinh thăm gia đình, nắm bắt để thông cảm, giúp đỡ trong chừng mực nhất định… nghe qua chẳng có điểm chung. Nhưng ngẫm kỹ mới thấy, dù cách này hay cách khác, thời xưa hay thời nay, những gì thầy cô làm đều đã cho học sinh cảm nhận ấm áp. Điều này tạo ra động lực vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ, lái hướng các em tự tin vào bản thân, phấn chấn, nỗ lực phấn đấu học hỏi, sống thiện lương. Có lẽ, trong giáo dục, trách phạt, kỷ luật thép chưa chắc mang lại hiệu quả bằng tác động được tới tình cảm của các em. Bởi với con người, việc ép buộc học chỉ mang lại hiệu quả chốc lát; nhưng  nếu các em tự nguyện học thì kiến thức có thể được thẩm thấu dễ dàng từ thầy sang trò và trở thành vốn liếng lâu bền trong học sinh. Và tự nguyện hay không, điều này phụ thuộc rất lớn vào việc gây dựng tình cảm với học trò.


TAM THUẬT