10:10, 21/10/2018

Thiên thần của cha mẹ

Giờ tan học ở một trường tiểu học tại TP. Nha Trang, một cậu học sinh lớp 2, mới chuyển trường từ miền Bắc vào, ra gặp cha với nhiều vết bầm, xước, chảy máu trên mặt.

Giờ tan học ở một trường tiểu học tại TP. Nha Trang, một cậu học sinh lớp 2, mới chuyển trường từ miền Bắc vào, ra gặp cha với nhiều vết bầm, xước, chảy máu trên mặt. Người cha hỏi, con và các bạn đều cho biết bị một bạn trai cùng lớp đánh. Một số bạn nhao nhao: Bạn ấy hung lắm chú ơi, bạn ấy đánh nhiều bạn khác nữa! Người cha cảm ơn mấy bạn, quay sang con: Chắc bạn chưa biết cách đùa với con đấy thôi!


Hôm sau, cậu bé trên lại về nhà với nhiều vết thương sâu hơn trên mặt. “Tác giả” vẫn được bạn chỉ là cậu bé hôm trước đánh. Đưa con tới trường, người cha nhẹ nhàng trao đổi với cô giáo: Mong cô nhắc nhở các cháu từ từ làm quen, con tôi mới chuyển vào, chắc nghe chưa quen tiếng các bạn. Cô giáo vội xin lỗi phụ huynh, rồi nhắc nhở bạn trai kia không đùa quá đà,  gây thương tích cho bạn.


Ngay hôm sau, mẹ của cậu học sinh đánh bạn tới lớp, uất ức mở điện thoại, cho cô xem vài hình chụp chân tay con bà bị bầm tím, khẳng định do con bà bị đánh, đã vậy còn bị đổ lỗi đánh bạn! Cô giáo đành gọi các học sinh trong lớp, yêu cầu kể lại những gì nhìn thấy. Học sinh đua nhau kể: Bạn nhảy lên bàn ghế, bị té; bạn va đụng vào chân bàn; bạn tự tới ôm chặt, khi người bị ôm kêu la, bạn đánh liền… Người mẹ lập tức kết luận: Mấy đứa này sợ cô giáo mắng nên nói dối! Rồi bà tự gọi một học sinh lớp trên làm Sao đỏ, quản học sinh lớp con bà trong giờ truy bài để hỏi. Cậu này còn tố thêm hành vi đánh học sinh lớp khác của con bà. Không hài lòng, bà mắng cậu này về hùa kể xấu con bà, rồi bực bội kéo con ra về. Trước khi về, bà dọa, nếu cô không tìm ra và phạt bạn đã đánh con bà, bà sẽ… tung hình lên “phây”!  Cậu học sinh này chạy theo sau mẹ, giơ nắm đấm tay dọa các bạn, cười!  


Cô giáo chủ nhiệm than thở với cô giáo chủ nhiệm năm ngoái thì được biết, đó không phải chuyện lần đầu. Ngày nào đưa cậu tới lớp, bà mẹ này cũng bắt uống siro ho để đề phòng viêm họng. Bà còn thường xuyên gặp cô, yêu cầu không được nói nặng, không được nhắc nhở… con bà, vì cháu rất yếu tâm lý; hồi học mẫu giáo, chỉ cần bị quát to cũng bệnh, không thể đi học. Nhưng trên lớp, khi cậu đánh bạn, bỏ làm bài, cô yêu cầu đứng dậy giải thích, cậu đều tỏ vẻ không nghe thấy hoặc thản nhiên đứng, nhất định không xin lỗi hay giải thích, hôm sau vẫn đi học bình thường, chưa thấy biểu hiện sợ hãi hay sốc tâm lý. Cô giáo chủ nhiệm cũ từng liên lạc với cha cậu học sinh này để nhờ can thiệp về cách dạy con của người mẹ thì được biết, cũng vì không thể dung hòa trong cách nuôi dạy con, hiện vợ chồng ông đã ở hai nơi khác nhau, ông nuôi người chị, còn vợ ông nuôi cậu em.  

   
Trong lòng mỗi người cha, người mẹ, con của họ luôn là những thiên thần bé nhỏ. Nhưng như vậy không có nghĩa, những đứa trẻ khác không là thiên thần đáng yêu. Chiều chuộng, bao bọc, lo lắng thái quá không phải lúc nào cũng tốt cho trẻ. Tôn trọng, lắng nghe, ứng xử công bằng và chỉ dẫn trẻ cách cư xử đúng… mới có thể nâng đỡ thiên thần của mình tốt nhất.


TAM THUẬT