12:04, 24/04/2018

Đừng để lâm tặc "nhờn thuốc"

Mới đây, tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại xảy ra vụ cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh bị đánh trọng thương ngay trong trạm. 

Mới đây, tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại xảy ra vụ cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh bị đánh trọng thương ngay trong trạm. Trong khi Công an huyện Vạn Ninh đang tiến hành điều tra thì các đối tượng lại tiếp tục khiêu khích, hung hăng phá hoại tài sản nhà nước tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng này. Điều này đang gây hoang mang, bất bình trong dư luận địa phương.


Dốc Mỏ được lực lượng kiểm lâm, chủ rừng xác định là “nút thắt” trong việc ngăn chặn nạn phá rừng tại khu vực rừng thượng nguồn xã Vạn Bình. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bố trí tại đây 1 Trạm Kiểm lâm; Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh cũng đã xây dựng Trạm Quản lý bảo vệ rừng tại đây với quyết tâm xóa “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển lâm sản trong khu vực.


Từ khi lực lượng giữ rừng tăng cường sự hiện diện ở Dốc Mỏ, những vụ việc lâm tặc chống đối, thậm chí hành hung, phá hoại tài sản nhà nước ở đây cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đơn cử như vụ lâm tặc ném “bom xăng” vào chốt kiểm lâm Dốc Mỏ khiến 1 nhân viên kiểm lâm bị thương nhẹ hay như vụ việc ông Ngô Hữu Sự - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ khi đang tạm giữ tang vật vi phạm đã bị lâm tặc quay lại tấn công, đối tượng gây ra vụ việc này đến nay vẫn chưa bị trừng trị thích đáng.


Mới đây, chiều 30-3, cũng tại Dốc Mỏ, ông Dương Xuân Thủy - Phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ (người được điều về thay ông Ngô Hữu Sự) đã bị một số đối tượng vào tận trạm đánh trọng thương; sau khi ông Thủy không còn khả năng phản kháng, các đối tượng còn lấy đồ đạc, vật dụng trong trạm, đốt trang phục ngành của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tiếp đó, tối 16-4, một tốp 5 - 6 đối tượng lại tiếp tục thách thức, phá hoại tài sản nhà nước tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ.


Ngoài địa bàn Vạn Ninh, ở một số địa phương khác như: Khánh Vĩnh, Cam Lâm… thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ lâm tặc chống đối, thậm chí đánh, chém lực lượng thi hành công vụ. Thiết nghĩ, các vụ việc lâm tặc manh động, tấn công người thi hành công vụ cần phải sớm được điều tra, xử lý, có hình phạt thích đáng đối với các đối tượng vi phạm. Nếu xử lý qua loa, hời hợt sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lâm tặc “nhờn thuốc”, khi bị bắt giữ tang vật sẽ tỏ ra coi thường pháp luật, coi thường những người được Nhà nước giao nhiệm vụ giữ rừng, sẵn sàng gây áp lực để thực hiện trót lọt hành vi phá hoại rừng. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng góp phần giúp lực lượng bảo vệ rừng có thêm động lực để đấu tranh với các hành vi sai trái trong quản lý, bảo vệ rừng, tránh trường hợp đáng tiếc là nhân viên quản lý bảo vệ rừng vì sợ mà có suy nghĩ tiêu cực là bỏ nghề.


HẢI LĂNG