05:02, 09/02/2018

Xuân an khang

Từ trong tan hoang, đổ nát của bão, của lũ; từ trong một nắng, hai sương của người dân khắp miền, đã thấy lóp ngóp ngoi lên những mầm mạ mới. Rồi lúa lại đơm bông. Lúa lại vàng đồng. Thôn trang lại rộn ràng câu hát ngày mùa.

 

Xuân.

Nắng chan hòa, thênh thang trên khắp nẻo đường quê.


Từ trong tan hoang, đổ nát của bão, của lũ; từ trong một nắng, hai sương của người dân khắp miền, đã thấy lóp ngóp ngoi lên những mầm mạ mới. Rồi lúa lại đơm bông. Lúa lại vàng đồng. Thôn trang lại rộn ràng câu hát ngày mùa.


Bão tàn phá. Tưởng chừng không thể gượng dậy, nhưng ngư dân Vạn Ninh đã chắt chiu từng đồng vốn để sửa sang lồng bè, mua giống cá, tôm hùm về thả nuôi. Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh Nguyễn Ngọc Ý cho biết, tới nay, người dân ở đây đã khôi phục, thả giống mới được khoảng hơn 50% diện tích lồng bè so với trước bão, trong điều kiện giá vật liệu, nhân công và giống tôm hùm rất cao. Tôi hết sức khâm phục bản lĩnh của người dân nơi này. Bởi có chứng kiến cảnh tượng tan nát của lồng bè sau bão mới thấy sự gắng gượng, nỗ lực của ngư dân ở đây lớn tới mức nào.


Giáp Tết, tôi về thăm người em từng suýt chết trong cơn bão số 12. Bè vỡ, chìm. Sóng dữ cuốn đi, em bị ngất, trôi dạt vào một bãi cát và được người dân kịp thời cấp cứu. Còn người, còn của. Đến nay, em đã khôi phục được gần 70% diện tích lồng bè. Tôi động viên, và chúc em may mắn trong đợt thả giống tôm hùm lần này.


Cũng ở Vạn Ninh, những gia đình có nhà bị sập, bị tốc mái được bà con chòm xóm ân cần đưa về nhà mình ở tạm, cơm nước chu đáo; rồi hỗ trợ nhau, cùng sửa chữa nhà cửa. Nhà nào còn tàu, tàu không bị chìm, bị hỏng thì í ới gọi bà con lối xóm cùng đi biển, tạo thu nhập lo cho cuộc sống. Tấm lòng quê là vậy. Người dân ở đây đùm bọc lẫn nhau, như ruột thịt trong nhà, cùng vượt qua cơn hoạn nạn. Nhiều người xúc động nói: Đúng là “Lá rách đùm lá nát”!


Bão, lũ dữ dội. Những tưởng Tết này không có hoa. Vậy mà hoa vẫn rực rỡ trên mọi nẻo phố. Đủ cả muôn nét sắc hương. Dòng người vẫn rộn ràng mua sắm, dẫu có chút chắt chiu. Trong tâm thức người Việt, xuân như một biểu tượng của gột rửa, thay mới. Để xua đi cái khó, cái nghèo. Trong vòng tay bao dung, nhân ái của cộng đồng, những người nghèo sẽ có một cái Tết an vui. Tình người ấm áp. Lòng người rộng mở. UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt mọi điều kiện; chăm lo cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, đặc biệt quan tâm gia đình chính sách, người neo đơn, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ bị thiệt hại do cơn bão số 12. Tết này, nhiều người dân vùng bão đã có nhà mới, đẹp hơn, khang trang hơn.


Còn nhớ, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, sau khi đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề về nhiệm vụ ngân sách; về thành lập Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; về khắc phục hậu quả cơn bão số 12..., ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bày tỏ quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2018, mặc dù dự báo sẽ rất khó khăn. Nhớ rằng, 2018 là năm bản lề của nhiệm kỳ 2015 - 2020.


U-23 Việt Nam chiến thắng! Đường phố Nha Trang rực đỏ một màu cờ Tổ quốc. Nhiều người đã khóc. Vì quá xúc động. Rồi bất giác bật kêu lên: “Việt Nam ơi!”. Tự hào và yêu thương quá đỗi! Đất nước đang xuân. Vận nước đang lên. Bài ca chiến thắng cứ mãi reo vui, trong những đêm không ngủ, và trong cả những giấc mơ. Đường lớn hanh thông. Cùng cả nước, người dân Khánh Hòa được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới; được thắp lên một niềm tin mới trước một năm mới nhiều hy vọng.


Kìa! Xuân đang tới!


PHONG NGUYÊN