12:01, 26/01/2018

Phát triển ngành tôm

Ngày 18-1, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.

Ngày 18-1, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.


Theo đó, mục tiêu tổng quát hướng tới phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.


Cụ thể: giai đoạn 2017 - 2020: tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn, tăng trưởng bình quân 5,63%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 10,79%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025: tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn, tăng trưởng bình quân 6,73%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 12,7%/năm.


Theo kế hoạch nói trên, đến năm 2025, Khánh Hòa có sản lượng tôm nước lợ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt 15.124 tấn. Riêng tôm hùm đạt 1.100 tấn, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng của cả nước. Chính phủ yêu cầu rà soát, sắp xếp các vùng nuôi tôm hùm ở các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, tập trung tại Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định; nâng cao năng suất, sản lượng trên cơ sở phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Thông tin trên cho thấy, Chính phủ đánh giá rất cao tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa trong phát triển nghề nuôi tôm hùm. Do đó, Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, hiện đang được tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện, cần lưu ý chi tiết này để có quy hoạch thật tốt các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh ở các khu vực Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh. Cạnh đó, cần có các bước đi phù hợp xây dựng thương hiệu tôm hùm Khánh Hòa để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.


Theo kế hoạch, ở các tỉnh duyên hải miền Trung, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất ngành tôm. Trước mắt, cần có nhiều dự án đầu tư hạ tầng tại các vùng nuôi tôm trọng điểm. Ngành nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên khuyến khích phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.


Hiện nay, được sự hỗ trợ của dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), Khánh Hòa đang triển khai xây dựng vùng sản xuất tôm giống tập trung tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, sản lượng giống dự kiến hàng năm đạt khoảng 6,5 tỷ con, đáp ứng nhu cầu con giống trong tỉnh và thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đây được đánh giá là nền tảng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành tôm ở Khánh Hòa.


Phát triển nhiều dự án nuôi tôm công nghệ cao; hình thành vùng chuyên canh, chuỗi sản xuất; áp dụng các giải pháp sinh học... đang là hướng đi phổ biến hiện nay. Song, để thực hiện được, phải giải quyết được một số vấn đề về vốn đầu tư; công tác quản lý chất lượng tôm giống cũng như tôm thịt; chủ trương, chính sách dồn điền đổi thửa vùng nuôi tôm tập trung tương tự trồng lúa; chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm...


Trước mắt, dựa trên cơ sở kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 của Chính phủ; Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, tỉnh sớm quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm tập trung, đặc biệt là tôm hùm; tiến hành giao đất, mặt nước lâu dài để người dân an tâm đầu tư công nghệ mới, phát triển sản xuất.


 PHONG NGUYÊN