06:11, 03/11/2017

Nâng cao chất lượng bộ máy

Ngày 25-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Ngày 25-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.


Với quyết tâm cao của Đảng, thời gian qua, hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập...


Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 18 là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân. Mục tiêu nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên, góp phần cải cách chính sách tiền lương.


Theo Nghị quyết 18, Trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện và cụ thể hóa cho cấp cơ sở; quy định khung quy chế làm việc của cấp ủy. Cấp ủy căn cứ quy định khung và đặc điểm, tình hình cụ thể để xây dựng quy chế làm việc của cấp mình và hướng dẫn cấp ủy cấp dưới trực tiếp xây dựng quy chế làm việc.


Có thể thấy, Nghị quyết 18 lần này có các nội dung vừa có “giảm” vừa có “tăng”.


“Giảm” ở đây là làm tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức trong hệ thống chính trị, thông qua các công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh giản bộ máy, biên chế. Chẳng hạn như giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.


“Tăng” ở đây là khuyến khích tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Bàn về việc tăng quy mô các đơn vị hành chính, một số đại biểu Quốc hội đề xuất cần sáp nhập một số bộ, một số tỉnh. Trước nay, chúng ta đã từng loay hoay mãi với câu chuyện “nhập” rồi lại “tách” các tỉnh. “Nhập” vào, không thuận lợi trong phát triển, lại phải “tách” ra. Cho nên câu chuyện sáp nhập tỉnh cần được nghiên cứu kỹ, theo hướng các tổ chức có điều kiện hoạt động tốt nhất, sử dụng nguồn lực hợp lý nhất, mang lại kết quả cao nhất.


Các tầng lớp nhân dân đặt nhiều kỳ vọng về các nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách chính sách tiền lương... từ Nghị quyết 18.


PHONG NGUYÊN