Vừa qua, tại hội nghị quán triệt Kết luận số 10 ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ....
Vừa qua, tại hội nghị quán triệt Kết luận số 10 ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cấp ủy đảng khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Kết luận số 10-KL/TW, nhằm kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong 5 năm tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Kết luận số 10-KL/TW có 3 quan điểm cần được quán triệt sâu sắc.
Một là, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Không có vùng cấm, vùng trống; không có ngoại lệ; không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Hai là, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Ba là, kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Kết luận số 10-KL/TW đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, gồm: nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; hoàn thiện các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
Đây là những nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính khái quát cao, bao trùm nhiều nội dung, lĩnh vực công tác. Thực hiện, mỗi địa phương, đơn vị phải có bước cụ thể hóa phù hợp từng chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của chính mình.
Có thể thấy, cả 3 quan điểm của Kết luận số 10-KL/TW đều chú trọng giải pháp phòng ngừa. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh những người có hành vi tham nhũng, lãng phí lâu nay chúng ta vẫn làm. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng lâu nay chúng ta vẫn làm. Kết luận số 10-KL-TW lần này yêu cầu phải khẩn trương xây dựng các cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Xây dựng được những cơ chế nói trên, Kết luận số 10-KL/TW thực sự đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đầy cam go của chúng ta.
PHONG NGUYÊN