Một trong những mục tiêu trọng tâm của kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa năm 2015 được xác định là mức độ hài lòng (SIPS) của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 75%; ...
Một trong những mục tiêu trọng tâm của kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Khánh Hòa năm 2015 được xác định là mức độ hài lòng (SIPS) của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 75%; đối với sự phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đạt tối thiểu 75%. Song song đó, phấn đấu cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR-INDEX).
Ở đây, liên quan tới công tác CCHC, có một số khái niệm gồm PAR-INDEX; PCI và SIPS, luôn gắn kết nhau, bổ trợ nhau; làm tiền đề, tương hỗ cho nhau và cũng là kết quả của nhau. Trong đó, CCHC có vai trò rất quan trọng. Có thực hiện CCHC tốt mới có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt; mới có được mức độ hài lòng cao. Mà, chúng ta luôn hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo công bố chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ, năm 2014, Khánh Hòa được xếp vị thứ 22/63 tỉnh thành, với 83,62 điểm, tăng 10 bậc so với năm 2013. Theo Bộ Nội vụ, xác định chỉ số CCHC là để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai CCHC hàng năm của các bộ, ngành; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bản thân những chỉ số nói trên đã nói lên khá nhiều điều về sự nỗ lực không ngừng của Khánh Hòa trên lĩnh vực CCHC.
Theo công bố xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Khánh Hòa đã bứt phá từ vị trí 34 của năm trước lên vị trí 16/63 tỉnh, thành phố, với 59,78 điểm, tăng 18 bậc. Có thể thấy, những nỗ lực trong CCHC đã có tác động rất tích cực, nâng cao rõ rệt năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tuy nhiên, chỉ số mức độ hài lòng (SIPS) năm 2014 của tỉnh còn gợi nhiều suy nghĩ. Theo công bố chỉ số mức độ hài lòng trên địa bàn Khánh Hòa, so với mục tiêu đề ra năm 2014 là mức độ hài lòng tối thiểu 75%, còn có tới 3/8 khối chưa đạt. Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ chỉ đạt 65,6% cho thấy việc thông tin, tuyên truyền về thể chế, chính sách, dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn là điểm yếu của các cơ quan hành chính. Song, điều đáng mừng là chỉ số mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức đạt tới 81,42%. Con số này khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ cả về năng lực chuyên môn lẫn tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII đề ra nhiệm vụ: Đảm bảo mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính, sự phục vụ của cơ quan hành chính, các dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ trình độ, năng lực, số lượng và cơ cấu hợp lý để thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phục vụ nhân dân. Đội ngũ này luôn được đào tạo, bồi dưỡng; được hưởng chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích khi hoàn thành tốt nhiệm vụ và áp dụng cơ chế loại bỏ, bãi miễn khi không hoàn thành nhiệm vụ, không có uy tín với nhân dân.
PHONG NGUYÊN