Hơn 17 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính phủ về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ.
Hơn 17 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính phủ về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập và triển khai thực hiện, thành lập ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã gắn việc triển khai thực hiện QCDC với các pháp lệnh và luật có liên quan cũng như các cuộc vận động..., góp phần tạo nên không khí dân chủ thực sự trong đời sống xã hội.
Điều dễ nhận thấy trong thực hiện QCDC thời gian qua là việc gắn Chỉ thị 30 với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí”, Quy định số 101 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”... Nhờ đó, những năm qua, công tác cải cách hành chính trong các cơ quan công quyền từ tỉnh đến cơ sở đã được tiến hành đồng bộ, đổi mới, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được các cấp, ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Việc thực hiện QCDC còn gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: phần lớn các chương trình, dự án đầu tư ở cơ sở đều được thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hàng năm, các loại quỹ, khoản đóng góp của nhân dân, mức thu phí, lệ phí; các chính sách về an sinh xã hội, vay vốn sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giao thông, thủy lợi, đất đai, hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi... đã được ngành chức năng, địa phương thông tin đến người dân bằng nhiều hình thức. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và trưởng thôn, tổ dân phố; tiếp nhận và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được thực hiện công khai, kịp thời. Người dân được trực tiếp tham gia bàn bạc và quyết định nhiều nội dung quan trọng... Nhờ đó, tính dân chủ rộng rãi ở cơ sở ngày càng thể hiện rõ. Sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Đến nay, qua bình xét từ khu dân cư, toàn tỉnh đã xây dựng mới 2.875 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sửa chữa 2.899 nhà cho hộ nghèo. Chương trình xây dựng nông thôn mới tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân; phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 22 xã... Trong quá trình triển khai thực hiện QCDC, cấp ủy các cấp đã có những điều chỉnh, chỉ đạo cụ thể, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát theo định kỳ, chuyên đề; có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm hàng năm và từng giai đoạn để phát hiện, nhân rộng điển hình.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả QCDC trong thời gian tới, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phẩm chất đạo đức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp; phát huy dân chủ trong các tầng lớp nhân dân thực hiện giám sát, phản biện, tham gia góp ý... để xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
ĐẠI HẢI