10:08, 24/08/2015

Chuyển biến về một tập tục

Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Trí Viên, Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh khẳng định: Trước nay, trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, người dân thường mời tăng, ni tham gia một số tang lễ. Ở đây, theo tập tục, người dân có rải giấy vàng bạc khi đưa tang. Vì vậy, một số người ngộ nhận rằng Phật giáo khuyến khích hay chủ trương việc này. Điều này hoàn toàn không đúng với tinh thần giáo lý nhà Phật.

Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, Hòa thượng Thích Trí Viên, Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh khẳng định: Trước nay, trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, người dân thường mời tăng, ni tham gia một số tang lễ. Ở đây, theo tập tục, người dân có rải giấy vàng bạc khi đưa tang. Vì vậy, một số người ngộ nhận rằng Phật giáo khuyến khích hay chủ trương việc này. Điều này hoàn toàn không đúng với tinh thần giáo lý nhà Phật.


Vì sao vậy? Theo Hòa thượng Thích Trí Viên, về mặt tâm linh, việc rải giấy vàng bạc khi đưa tang không những không có ý nghĩa gì mà còn có những tác hại thực tế như tiêu hao tiền của; gây ô nhiễm môi trường; làm mất thẩm mỹ đường phố. Việc này không phù hợp với hoàn cảnh, thời đại hôm nay, không nên làm. Hòa thượng cũng cho rằng, nếu loại bỏ được việc rải giấy vàng bạc khi đưa tang, tâm hồn của mỗi người chúng ta trở nên sáng suốt, lành mạnh; tránh rơi vào mê tín dị đoan.


Nhằm xây dựng nếp sống văn minh đô thị, TP. Nha Trang đang tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân không rải vàng bạc khi đưa tang; không đốt đồ mã khi cúng kính. Thời gian gần đây, trên đường phố đã thấy xuất hiện một số đám đưa tang không rải vàng mã, tiền âm phủ nữa. Thay vào đó, trên đường đi từ nhà người mất đến nghĩa trang, người ta chỉ rắc lưa thưa những cánh hoa nhỏ. Theo Hòa thượng Thích Trí Viên, ấy là những chuyển biến ban đầu. Điều đó rất đáng quý. Rất đáng trân trọng.


Để không còn thấy cảnh “Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay” mỗi khi đám tang đi qua, thân nhân người quá cố đã phải vượt qua nhiều thử thách. Thử thách trước hết là phải vượt qua được chính mình; vượt qua được những chấp kiến hằng có từ bao nhiêu đời nay về mối dây ràng buộc giữa người còn sống với người đã khuất, với suy nghĩ rằng không rải vàng bạc thì cảm thấy dường như chưa trọn tình, trọn nghĩa với người đã khuất. Thử thách thứ nữa là phải vượt qua dư luận, với những câu trách như bất hiếu, bất đễ, không hiểu biết gì lễ nghĩa...


Những chấp kiến, những trách cứ nói trên là lầm lạc, là cổ hủ. Bởi, như Hòa thượng Thích Trí Viên nói ở trên, việc rải giấy vàng bạc khi đưa tang tuyệt nhiên không có ý nghĩa gì; và đạo Phật không những không chủ trương mà còn kêu gọi Phật tử, nhân dân không rải giấy vàng bạc khi đưa tang.


Rõ ràng, việc kêu gọi người dân không rải vàng mã khi đưa tang là việc làm khó khăn và nhạy cảm. Bởi nó gắn chặt với đời sống tín ngưỡng, tâm linh của các tầng lớp nhân dân. Do đó, phải có cách làm khéo léo, tế nhị, để cả cộng đồng có cùng sự đồng cảm, sẻ chia.


Hướng tới, cần đẩy mạnh các giải pháp thăm viếng, động viên gia đình có người qua đời; kết hợp tuyên truyền, vận động gia đình không đốt, rải vàng mã khi đưa tang. Có thể tiến tới xây dựng hẳn một số quy định cụ thể về việc này.


PHONG NGUYÊN