05:07, 10/07/2015

Sát thực tế

Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25-8-2014. Sau gần một năm triển khai, việc thực hiện còn rất nhiều vướng mắc, khiến nhiều nội dung của nghị định chậm đi vào cuộc sống.

Nghị định (NĐ) 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25-8-2014. Sau gần một năm triển khai, việc thực hiện còn rất nhiều vướng mắc, khiến nhiều nội dung của NĐ chậm đi vào cuộc sống.


Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chủ trì làm việc với nhiều bộ, ngành bàn việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung để NĐ 67 sát hơn với thực tiễn; đáp ứng được yêu cầu đề ra. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung NĐ 67 vẫn phải bám sát mục tiêu ban đầu là phát triển đội tàu cá vỏ thép, công suất lớn đánh bắt xa bờ; góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Nhiều nội dung của NĐ 67 được sửa đổi, bổ sung như mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi; nâng thời hạn cho vay đối với trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (có suất đầu tư lớn) từ 11 năm lên 16 năm (trong đó có 1 năm ân hạn lãi suất); có thể sử dụng máy cũ khi nâng cấp tàu cá; bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm; vốn đối ứng đóng tàu vỏ gỗ hạ xuống còn 15%, thay vì 30% như trước; xây dựng cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư...


Những nội dung sửa đổi, bổ sung nói trên xuất phát từ thực tế: Vì sợ không thu hồi được nợ, đặc biệt là đối với tàu vỏ thép nên ngân hàng chỉ xem xét cho vay số lượng rất hạn chế; giá đóng tàu thực tế vượt quá nhiều so với dự toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gây khó khăn cho ngư dân trong việc vay vốn và hoàn trả nợ vay; thực tế ngư dân dùng máy cũ nhưng tàu vẫn hoạt động ổn định...


Rõ ràng, thực tiễn luôn đòi hỏi những người hoạch định, xây dựng chính sách phải thực sự sâu sát, cụ thể và tường tận. Đơn cử, trong khuôn khổ thực hiện NĐ 67, tốn rất nhiều công sức, tiền của cho khảo sát, thiết kế nhưng tất cả 21 mẫu tàu vỏ sắt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đều không được ngư dân chấp nhận, do không phù hợp yêu cầu thực tiễn sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, giá mà những người thiết kế biết lắng nghe ý kiến của ngư dân.


Một vấn đề lớn đang được quan tâm hiện nay là định hướng đóng tàu đánh bắt xa bờ nói chung chưa được hướng dẫn cụ thể, vùng nào nên đóng tàu gì, để làm nghề gì, số lượng bao nhiêu, cỡ tàu nào là phù hợp với nghề... Tiếp đó là việc nhân rộng các mô hình, tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động đánh bắt xa bờ để hướng dẫn các địa phương tổ chức đầu tư phát triển nghề nghiệp đánh bắt phù hợp ngư trường và nguồn lợi từng vùng; đẩy mạnh công tác dự báo ngư trường, nguồn lợi theo thời gian ngắn hạn để hỗ trợ ngư dân...


Sửa đổi, bổ sung NĐ 67 sau thời gian chưa đầy một năm triển khai thực hiện thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc hiện đại hóa nghề cá nước ta, xây dựng nước ta thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển theo tinh thần Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.


Dự kiến, cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 này, NĐ 67 sửa đổi, bổ sung sẽ được ban hành. Do vậy, các cơ quan, ban ngành, địa phương có liên quan cần sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện những nội dung mới sửa đổi, bổ sung để NĐ 67 sớm đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.


PHONG NGUYÊN