Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý môi trường.
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý môi trường.
Hàng năm, tỉnh chi 1% ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường. Giai đoạn 2006 - 2014, tổng kinh phí tỉnh dành cho công tác BVMT là hơn 629,4 tỷ đồng, riêng năm 2014 là 142,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kinh phí sự nghiệp khoa học dành cho các đề tài nghiên cứu phục vụ công tác quản lý môi trường luôn được ưu tiên phân bổ. Đến nay, một số đề tài, dự án về môi trường đã thực hiện như: Điều tra hiện trạng phân bổ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa; Tổng quan hiện trạng môi trường, nguồn lợi và những tác động của các hoạt động kinh tế tại vịnh Vân Phong - Bến Gỏi; Điều tra hiện trạng môi trường vịnh Cam Ranh; Đánh giá sơ bộ rủi ro môi trường tại khu vực vịnh Vân Phong; Nghiên cứu cơ sở khoa học để bảo vệ đa dạng sinh học vùng Bình Cang - Nha Phu; Thí điểm thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở TP. Cam Ranh; Điều tra điều kiện hải văn động lực khu vực Mỹ Giang, Hòn Đỏ, Bãi Cỏ (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa)... Tổng kinh phí thực hiện các đề tài, dự án gần 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn tranh thủ nguồn vốn lớn cho sự nghiệp môi trường thông qua việc triển khai các dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á như: Dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang (triển khai từ 2006 - 2014); Dự án bãi chôn lấp hợp vệ sinh và hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Lương Hòa (quy mô 45ha) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12-2014; 2 dự án triển khai tại TP. Cam Ranh là: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất 4.000m3/ngày đêm và Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (xã Cam Thịnh Đông) với quy mô 10ha... Tổng số vốn vay của các dự án trên là 83,28 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh hơn 8,86 triệu USD.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm đầu tư và huy động tốt các nguồn lực cho công tác BVMT, hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều công trình BVMT được xây mới, cải tạo, bước đầu bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên với bảo vệ, phát triển hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc huy động các nguồn lực tài chính cho công tác BVMT vẫn còn hạn chế khiến một số mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra chưa thực hiện được đầy đủ hoặc tiến độ chậm, như: Quy hoạch và triển khai dự án các khu công nghiệp, khu dân cư, khu xử lý chất thải rắn, các dự án thu gom, xử lý nước thải, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, chưa thực hiện được quy hoạch các dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố; kế hoạch phục hồi rừng ngập mặn triển khai chậm...
Để công tác BVMT trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, bên cạnh các giải pháp như: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường công tác BVMT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển; chú trọng BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản... chủ trương của tỉnh là tăng cường đầu tư cho sự nghiệp môi trường. Theo đó, ngoài nguồn chi từ ngân sách Nhà nước, cần tăng cường vận động từ các nguồn như: Quỹ BVMT Việt Nam, Quỹ BVMT tỉnh, nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và các tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về BVMT gắn với hoạt động kinh doanh, phát triển bền vững; hỗ trợ các dự án, kế hoạch, hoạt động BVMT ở địa phương...
Ngọc Khánh