Có thể nói, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những công tác được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện chính là quy hoạch. Đây là nền tảng cho sự phát triển ổn định và lâu dài của tỉnh trong tương lai. Kết quả của sự nỗ lực là những quy hoạch lớn của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là khối lượng công việc khổng lồ mà tỉnh đã đạt được. Khi có quy hoạch, đồng nghĩa với việc tỉnh đã có thể kêu gọi các nhà đầu tư đến và triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế lại không dễ dàng như vậy. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tổ chức ký kết hợp tác với các đối tác lớn trong và ngoài nước với tinh thần sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng, nguồn vốn đầu tư cũng không thiếu. Thế nhưng, vẫn có rào cản khiến nhà đầu tư chưa thể triển khai các dự án.
Rào cản ấy chính là chưa có quy hoạch chi tiết ở những khu vực mà nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư. Theo quy định, để triển khai dự án, điều tiên quyết là khu vực triển khai dự án phải có quy hoạch phân khu (quy hoạch 1/2000). Theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có 101 đồ án quy hoạch trọng điểm đang triển khai, trong đó có đến 67 quy hoạch phân khu. Các quy hoạch phân khu này thuộc địa bàn TP. Nha Trang (23 của thành phố và 1 của Sở Xây dựng); TP. Cam Ranh (4); huyện Cam Lâm (7); huyện Diên Khánh (9); thị xã Ninh Hòa (8) và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong (15). Trong số này, đến nay, chỉ có Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong là đã hoàn thành 4 quy hoạch phân khu, số còn lại của các địa phương đều đang trong quá trình triển khai.
Điều này rõ ràng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ mời gọi đầu tư vào tỉnh. Được biết, hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng triển khai nhưng do những thủ tục ban đầu đều liên quan đến quy hoạch nên phải chờ. Trong quá trình chỉ đạo điều hành của tỉnh hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo tỉnh đều yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tốc độ làm quy hoạch. Tuy nhiên, tiến độ triển khai vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Lý giải cho điều này, các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan đều nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến không thể đẩy nhanh tiến độ làm quy hoạch. Không thể phủ nhận việc làm quy hoạch là rất khó, đòi hỏi cao về chuyên môn nghiệp vụ. Hơn nữa, thời điểm này, khối lượng công việc rất nhiều trong khi lực lượng cán bộ làm công tác quy hoạch còn mỏng, nhiều nơi cán bộ làm quy hoạch còn ít kinh nghiệm nên ảnh hưởng đến công việc chung. Ngoài ra, công tác phối hợp, chủ động của các cơ quan, đơn vị để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ chưa tốt; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... vẫn còn. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần chủ động hơn nữa, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực tháo gỡ khó khăn... để đảm bảo công tác quy hoạch sớm hoàn thành.
Nhìn lại, thời gian thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 không còn nhiều. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ ít nhiều cũng sẽ phụ thuộc vào việc thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển. Do vậy, nếu các quy hoạch càng sớm hoàn thành thì càng có khả năng hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
LÊ MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin