. Kỳ 1: Nghị quyết “đưa dân xuống núi”
. Kỳ 2: Những người con của Đảng ở buôn làng
Báo Khánh Hòa có cuộc phỏng vấn ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa để làm rõ hơn kết quả đạt được, những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về chỉ tiêu phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. |
- Thưa ông, thời gian qua, công tác phát triển đảng viên trong ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh được toàn Đảng bộ tỉnh quan tâm thực hiện như thế nào?
- Phát triển đảng viên là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, để đảm bảo tính kế thừa và phát triển của Đảng, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đối với công tác phát triển đảng viên, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển đảng viên. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 683 tổ chức cơ sở đảng với 47.587 đảng viên. Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 4.299 đảng viên, trong đó có 306 đảng viên là người DTTS. Trên địa bàn tỉnh, ĐBDTTS sinh sống tập trung chủ yếu ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Khánh Sơn kết nạp được 206 đảng viên (đạt 58,9% kế hoạch được giao), trong đó có 183 thanh niên; Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh kết nạp được 201 đảng viên (đạt 45,7%), trong đó có 95 thanh niên. Chất lượng đảng viên là người DTTS được kết nạp ngày càng nâng cao đã tiếp thêm sinh lực cho tổ chức đảng, góp phần củng cố, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng viên mới kết nạp đã phát huy vai trò tiên phong, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác, lao động và sản xuất. Nhờ đó, vị trí và vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc hơn.
Công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm thực hiện. Các tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch thực hiện, thường xuyên rà soát số lượng quần chúng đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; kịp thời bổ sung những nhân tố tích cực, nhân tố mới để bồi dưỡng, giúp đỡ, giao nhiệm vụ và thử thách. Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước; qua đó phát hiện, giới thiệu nhân tố điển hình cho cấp ủy, tổ chức đảng cử đi tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Đến nay, toàn tỉnh đã mở 108 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 8.307 quần chúng ưu tú, trong đó tổ chức riêng 76 lớp cho học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Được biết, thời gian qua, ông đã thường xuyên về tận cơ sở, các địa phương có nhiều ĐBDTTS để làm việc về công tác xây dựng Đảng. Ông nhận thấy còn những tồn tại, khó khăn nào trong công tác phát triển đảng viên hiện nay trong các vùng ĐBDTTS?
- Trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong vùng ĐBDTTS luôn chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng; chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đề ra các giải pháp đồng bộ, hiệu quả; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc các tổ chức đảng trực thuộc về tạo nguồn phát triển đảng viên dẫn đến kết quả chung về tỷ lệ phát triển đảng viên giữa nhiệm kỳ chưa đạt như kỳ vọng, một số chi bộ thôn, tổ dân phố nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Đội ngũ cấp ủy chi bộ hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, thường biến động chuyển đổi vị trí công tác qua mỗi nhiệm kỳ đại hội nên còn một số hạn chế về nghiệp vụ công tác đảng, trong đó có nghiệp vụ đảng viên. Có nơi khoán trắng việc hướng dẫn viết hồ sơ cho đảng viên được cấp ủy giao giúp đỡ quần chúng, vì vậy, chất lượng hồ sơ kết nạp đảng viên ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, phải điều chỉnh nhiều lần, có nơi thời gian hoàn chỉnh hồ sơ kết nạp kéo dài (quá 12 tháng) dẫn đến một số thủ tục phải làm lại.
Chất lượng đảng viên đã chuyển biến tích cực so với trước đây, tuy nhiên so với yêu cầu chung vẫn còn hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, chưa đa dạng về thành phần cơ cấu; một số quần chúng có thể phát triển đảng nhưng thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu..., nhận thức về Đảng lệch lạc, giản đơn. Việc tổ chức các phong trào, hoạt động của thanh niên còn nhiều hạn chế và xa rời thực tế, thiếu sự thu hút và tập hợp thế hệ trẻ. Việc tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nội dung còn sơ sài, mang tính hình thức. Một bộ phận thanh niên ở khu vực ĐBDTTS thường xuyên di chuyển đến các thành phố, khu công nghiệp tìm việc làm, ít tham gia các hoạt động, phong trào ở nơi cư trú, chưa có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng; một số không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét, kết nạp đảng viên. Đây là khó khăn chung đối với công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng ĐBDTTS hiện nay.
- Thưa ông, từ những tồn tại nêu trên, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển đảng viên trong ĐBDTTS thời gian tới?
- Cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên quán triệt, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị và sự chỉ đạo của cấp trên, cấp ủy chủ động đề ra phương hướng, chỉ tiêu, lộ trình thực hiện cũng như giải pháp cụ thể để phát triển đảng viên của nhiệm kỳ và trong từng năm. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quan tâm kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên, kịp thời khắc phục các hạn chế, thiếu sót. Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và dưới cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động khảo sát nắm tình hình nguồn kết nạp ở tất cả các loại hình, qua đó đề ra phương hướng, giải pháp tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn kết nạp đảng viên phù hợp với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị và phù hợp với từng đối tượng. Các tổ chức đoàn thể phải chủ động trong việc tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua gắn với việc triển khai các chương trình của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn, như: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, phát triển nguồn nhân lực… Từ đó, lựa chọn các nhân tố tích cực, điển hình để giới thiệu bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo chính quyền, đoàn thể tại địa phương chủ động thực hiện tốt công tác vận động học sinh là người ĐBDTTS theo học hết bậc THCS, THPT để nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức; triển khai tốt việc hướng nghiệp dạy nghề và phân luồng giúp học sinh đưa ra những quyết định phù hợp cho tương lai, xem đây là nguồn phát triển đảng viên lâu dài để phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, nhất là đoàn viên, thanh niên, trong đó chú trọng đối tượng là sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đang sinh sống ở địa bàn, bộ đội xuất ngũ, dân quân tự vệ... Cùng với đó, giao nhiệm vụ cho các tổ đảng theo địa bàn thôn, tổ dân phố phân công đảng viên chính thức thường xuyên theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho quê hương, cũng như hướng dẫn, hỗ trợ viết hồ sơ và các thủ tục xét kết nạp Đảng khi đã đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
THÁI THỊNH (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin