21:58, 03/06/2024

Khánh Sơn với khát vọng vươn tầm - Kỳ cuối: Hướng tới mục tiêu trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng

HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG

Kỳ cuối: Hướng tới mục tiêu trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng

Những thành quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang tạo nền móng vững chắc cho Khánh Sơn hướng tới mục tiêu trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng, thành nơi đáng sống của đồng bào các dân tộc địa phương và là điểm đến độc đáo của tỉnh.

Chìa khóa giảm nghèo, nâng cao thu nhập

Chúng tôi được dịp trò chuyện cùng ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương khi ông đi kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Ông Sơn chia sẻ: Đối với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi trong cả nước, trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM thì các tiêu chí thu nhập và tiêu chí nghèo đa chiều là khó khăn hơn cả. Đến một số xã, thăm một số mô hình, lắng nghe câu chuyện phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của ĐBDTTS ở Khánh Sơn, có thể thấy huyện đã có lời giải phù hợp cho bài toán giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân phù hợp với thực tế của địa phương.

Sầu riêng là cây trồng chủ lực của người dân Khánh Sơn.
Sầu riêng là cây trồng chủ lực của người dân Khánh Sơn.

Điều khiến đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương ấn tượng với Khánh Sơn chính là việc địa phương đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả giá trị cao, với diện tích chuyển đổi hơn 1.150ha; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên 1 diện tích sản xuất; nhiều mô hình sản xuất mới được nhân rộng và phát huy. Đây cũng là địa phương có đến 34 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Địa phương cũng đã chú trọng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó giảm nghèo bền vững… Cùng với đó, huyện đã nhanh chóng triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên cơ sở phát huy các thế mạnh của mình.  

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Bo Bo Niến - hộ ĐBDTTS Raglai ở xã Ba Cụm Bắc, là điển hình trong nỗ lực phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn. Ông Niến trăn trở, nhiều gia đình ở địa phương vươn lên khá giả nhờ trồng cây ăn quả, không lẽ mình cứ nghèo mãi? Với nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ông Niến đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông có 200 cây sầu riêng, duy trì 2ha keo ở khu vực xa nguồn nước. Ngoài nguồn thu từ cây ăn quả kết hợp vườn rừng, gia đình ông còn mở cửa hàng buôn bán nhỏ, mua ô tô để chở khách… Nhờ đó, không chỉ thoát nghèo mà gia đình ông còn có cuộc sống khá giả, với thu nhập trong năm 2023 lên đến 1,5 tỷ đồng. Ông Niến chỉ là một trong số nhiều người Raglai ở Khánh Sơn đã biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Sơn chia sẻ niềm vui với chúng tôi: Hiện nay, huyện đang triển khai toàn diện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu cuối năm nay sẽ hoàn thành việc xây dựng mới, sửa chữa hơn 2.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó, huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, kết nối, giải quyết việc làm cho người dân… Ngoài ra, cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở đã rà soát, nắm bắt cụ thể các chiều thiếu hụt của hộ nghèo trên địa bàn, từ đó có giải pháp hỗ trợ hiệu quả để người dân thoát nghèo. Trong 4 tháng đầu năm 2024, huyện đã giảm được 220 hộ nghèo, đạt 40% kế hoạch tỉnh giao. Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện sẽ giảm xuống còn 22,99%, giúp đưa địa phương ra khỏi danh sách huyện nghèo. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân được nâng lên; đến cuối năm 2023 đạt 32,13 triệu đồng/người/năm, tiệm cận với chỉ tiêu thu nhập trong xây dựng NTM.

Phấn đấu về đích 2 xã nông thôn mới

Tiếp chúng tôi, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn khẳng định: “Đưa Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo; từng bước xây dựng những bản làng vùng cao trở thành những miền quê đáng sống cho đồng bào các dân tộc Khánh Sơn là mục tiêu kép, là quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị địa phương trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi xác định xây dựng NTM chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc nên có khó đến mấy cũng phải làm bằng được… thì mới có thể thay đổi căn bản, thực chất đời sống của người dân vùng cao, nhất là hộ ĐBDTTS. Huyện đang dồn toàn lực để năm 2024 đưa 2 xã Sơn Bình, Sơn Hiệp về đích NTM, vượt 1 xã và về đích sớm 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra”.

Hiện nay, 2 xã Sơn Bình và Sơn Hiệp đều gấp rút đánh giá lại toàn bộ các chỉ tiêu, tiêu chí; lập hồ sơ minh chứng đối với 15 tiêu chí đã đạt và gấp rút hoàn thiện 4 tiêu chí còn lại. Theo lộ trình, đến tháng 9, 2 xã sẽ hoàn thành tiêu chí về giảm nghèo đa chiều; tháng 10 sẽ đạt tiêu chí về thu nhập. Đối với tiêu chí y tế, hiện nay, chỉ còn chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi đã được các cơ quan chức năng tỉnh có hướng tháo gỡ, đánh giá linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của địa phương miền núi, tập trung đông ĐBDTTS.

Một góc xã Sơn Trung.
Một góc xã Sơn Trung.

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, một trong những trở lực trong xây dựng NTM ở Khánh Sơn là tâm lý “không muốn về đích NTM”. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc 7 xã xây dựng NTM ở Khánh Sơn đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, khi về đích NTM sẽ ra khỏi danh sách này. Khi đạt chuẩn NTM, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho ĐBDTTS và miền núi sẽ bị cắt hoặc giảm; kể cả cán bộ địa phương cũng không được hưởng chính sách của vùng đặc thù nên dẫn đến có người chẳng mặn mà với xây dựng NTM. Vì thế, lãnh đạo huyện Khánh Sơn đề xuất Trung ương và tỉnh, đối với những xã đặc biệt khó khăn, khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, trong vòng 2 - 3 năm sau cần tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo đà phát triển vượt hẳn lên.

Đưa Khánh Sơn trở thành điểm đến độc đáo

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn tâm sự rằng: “Chúng tôi xác định, xây dựng NTM là khởi đầu, rồi tiến lên xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Đưa được 2 xã Sơn Bình, Sơn Hiệp đạt chuẩn NTM trong năm 2024 đối với Khánh Sơn được ví như “đất nghèo đơm quả ngọt”. Dẫu biết rằng, con đường xây dựng NTM ở huyện vẫn còn lắm thử thách, nhưng đây sẽ đặt nền móng để Khánh Sơn chuyển mình đi lên, hướng đến mục tiêu: “Xây dựng Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng” như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng. Để từ đó, Khánh Sơn góp sức cùng với toàn Đảng bộ tỉnh hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Hiện nay, địa phương đang tập trung xây dựng huyện trở thành vùng cây ăn quả giá trị cao; vùng du lịch sinh thái, với những giá trị cảnh quan và văn hóa đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, lồng ghép không gian sinh thái nông - lâm nghiệp. Huyện cũng chú trọng khai thác và bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng ở khắp các xã trên địa bàn; phát triển các không gian sinh thái, văn hóa có giá trị cao, với trọng tâm khai thác khía cạnh văn hóa di sản đàn đá Khánh Sơn và văn hóa cồng chiêng… nhằm từng bước đưa Khánh Sơn trở thành nơi đáng sống của đồng bào các dân tộc địa phương và trở thành điểm đến độc đáo của tỉnh.

Đêm trước khi rời Khánh Sơn, chúng tôi được dịp thưởng thức tiếng đàn đá, nghe về sử thi của người Raglai và những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân địa phương để hiểu hơn về mạch nguồn sức mạnh của vùng đất này. Nhớ đến lời già làng Cao Đảm ở xã Sơn Bình về việc Khánh Sơn chiến thắng giặc ngoại xâm, rồi thắng “giặc dốt”, “giặc đói”, không lẽ chịu thua “giặc nghèo”, chúng tôi càng tin tưởng hơn, dưới ánh sáng của các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh; các nghị quyết của Tỉnh ủy, trong đó có Nghị quyết số 08 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong tương lai không xa, Khánh Sơn sẽ phát triển vươn tầm.

Qua làm việc với huyện Khánh Sơn mới đây, ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu: Cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Khánh Sơn cần nỗ lực tối đa để đưa Khánh Sơn phát triển nhanh, bền vững. Trước mắt, huyện cần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân, xác định rõ tiến độ thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao; phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; nghiên cứu cách thức thực hiện các chương trình phát triển sản xuất như xây dựng các hợp tác xã, đội, nhóm, mô hình sản xuất hiệu quả; nghiên cứu các chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm, ý chí tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân…

HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG

Kỳ 1: Sức sống mới trên vùng cao