Sau hơn 1 năm nỗ lực triển khai, đến nay, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Cam Ranh đến năm 2045 đã hoàn thiện, được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân. Theo dự thảo quy hoạch, Cam Ranh sẽ phát triển thành đô thị du lịch - logistics, phù hợp với Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TP. Cam Ranh có vị trí thuận lợi để phát triển đô thị du lịch - logistics. |
Quy hoạch đô thị hiện đại
Theo định hướng, trong những năm tiếp theo, TP. Cam Ranh sẽ phát triển theo 2 khu vực gồm: Khu vực đô thị gắn với các trục tăng trưởng, đặc biệt là Quốc lộ 1; khu vực nông thôn gắn với vùng nông nghiệp bao gồm đất trồng rừng, đất nông nghiệp, nuôi yến… Đồng thời, sẽ xây dựng phát triển đô thị Cam Ranh theo nguyên tắc thân thiện với môi trường sinh thái, gắn kết hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, hình thành nên các không gian xanh để bảo vệ các giá trị về cảnh quan, tài nguyên đất và làng xã truyền thống. TP. Cam Ranh sẽ chú trọng khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên trong vịnh Cam Ranh, đảo Cam Bình, khu vực núi Mũi Hời, núi Hòn Rồng, kết hợp với hệ thống cây xanh - mặt nước nhân tạo để tạo khung liên kết mềm, tạo hệ thống không gian mở. Các khu chức năng chính của thành phố và các phường Cam Phú, Cam Phúc Bắc sẽ được quy hoạch với hình thái đô thị hiện đại, tạo dựng không gian đô thị liên hoàn, sinh động và phong phú mang đặc thù hình thái đô thị biển.
Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, TP. Cam Ranh sẽ trở thành đô thị du lịch và logistics. Do đó, một số khu chức năng trước đây như: Đất công nghiệp, các khu nuôi trồng thủy sản ven bờ, một số khu vực đất nông nghiệp khai thác không còn hiệu quả… sẽ chuyển đổi chức năng phù hợp. Với đặc thù quỹ đất xây dựng đô thị Cam Ranh bị hạn chế bởi địa hình phía tây có độ dốc tương đối lớn nên thành phố phải khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan tự nhiên cũng như định hướng phát triển đô thị du lịch như: Các khu vực có vị trí thuận lợi về tầm nhìn, ngắm cảnh, dã ngoại trên núi, các khu vực thuận lợi về cảnh quan có không gian mở… Cam Ranh có hệ thống bờ biển dài bao quanh thành phố kết hợp với hệ sinh thái núi rừng. Vì vậy, ngoài không gian mặt nước, Cam Ranh sẽ phát triển dựa trên các tuyến giao thông chính, gồm: Các trục đường song song với mặt biển (Quốc lộ 1, đường Hoàng Văn Thụ, đường Lê Duẩn, đường 3 tháng 4; các trục đường vuông góc với mặt biển (đường Nguyễn Công Trứ, đường Nguyễn Chí Thanh).
Phát triển thành trung tâm kinh tế phía nam
Khu vực phát triển du lịch của TP. Cam Ranh được quy hoạch nằm rải rác nhưng chủ yếu tập trung tại chân núi Hòn Rồng và các khu vực có cảnh quan đẹp như: Khu vực Cam Lập, Bãi Dài… Trung tâm dịch vụ du lịch đặt tại chân núi Hòn Rồng tiếp giáp với tuyến đường Hoàng Văn Thụ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối không gian giữa khu đô thị và khu vực du lịch sinh thái núi Hòn Rồng. Khu vực này được xây dựng tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng gộp tối đa 25%. Đối với khu vực phát triển logistics, trung tâm dịch vụ logistics đặt tại khu vực ga Ngã Ba (phường Ba Ngòi). Đây là đầu mối giao thông quan trọng kết nối vào đô thị cũng như từ đô thị ra ngoài. Mặt khác, logistics đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác hậu cần cảng nên tại các khu vực cảng đường thủy, cảng hàng không đều bố trí quỹ đất logistics.
Một góc TP. Cam Ranh. |
Theo ông Thạch, trong thời gian tới, TP. Cam Ranh sẽ cải tạo nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới. Trên toàn thành phố sẽ hình thành các khu vực là trung tâm cụm xã, trung tâm dịch vụ thương mại - nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, phát triển thị trường nông thôn, đẩy nhanh sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản; tái cấu trúc nông nghiệp, tạo ra các khu vực cho cộng đồng sản xuất nông nghiệp, khuyến khích hình thành văn hóa làng xã, thu hút du lịch. Thành phố sẽ nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, kết nối với các trục giao thông chính, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn. Cùng với đó, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đầu tư hoàn chỉnh các dự án, công trình hạ tầng thiết yếu, như: Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng Cam Ranh, Trung tâm Nghề cá lớn Khánh Hòa, Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, công trình giao thông dọc biển TP. Cam Ranh nhằm đưa Cam Ranh phát triển thành trung tâm kinh tế phía nam của Khánh Hòa.
Dự báo dân số TP. Cam Ranh đến năm 2030 là 320.000 người, đến năm 2045 là 823.000 người. Định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, gồm: Đất dân dụng khoảng 4.029ha, chỉ tiêu khoảng 60m2/người, chiếm khoảng 11,95% diện tích đất tự nhiên, trong đó đất đơn vị ở là 2.810ha; đất ngoài dân dụng khoảng 14.566ha, chiếm khoảng 43,21% diện tích đất tự nhiên; đất nông nghiệp và chức năng khác khoảng 15.112ha, chiếm khoảng 44,83% diện tích đất tự nhiên. Đến năm 2045, đất dân dụng khoảng 6.753ha, chỉ tiêu khoảng 60m2/người, chiếm khoảng 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó đất đơn vị ở là 4.010ha; đất ngoài dân dụng khoảng 15.623ha, chiếm khoảng 46,35% diện tích đất tự nhiên; đất nông nghiệp và chức năng khác khoảng 11.332ha, chiếm khoảng 33,61% diện tích đất tự nhiên.
VĂN KỲ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin