Ngày 2-4, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Đây là dịp để tỉnh giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo bệ phóng cho tỉnh phát triển vượt bậc theo mục tiêu của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về sự kiện này.
Ngày 2-4, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Đây là dịp để tỉnh giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo bệ phóng cho tỉnh phát triển vượt bậc theo mục tiêu của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về sự kiện này.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, thời gian qua, Khánh Hòa đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, sự phát triển đó vẫn chưa thực sự xứng tầm. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho tỉnh cần phải có sự đầu tư để phát triển vượt bậc. Để có bước phát triển vươn tầm cần phải có sự thu hút đầu tư mạnh mẽ, với nguồn lực đủ mạnh để tạo nên sự bứt phá. Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 được xác định như bệ phóng để tỉnh có thể phát triển như mong đợi. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo ra nhiều cơ hội để Khánh Hòa phát triển bứt phá trong tương lai.
Nhằm thu hút đầu tư, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các đồ án quy hoạch của tỉnh. Mỗi đồ án được phê duyệt sẽ tạo nên hàng loạt cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Xin ông cho biết tiến độ công tác lập các đồ án quy hoạch lớn của tỉnh hiện nay?
- Gần 2 năm qua, cả hệ thống chính trị cùng hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước đã tích cực làm việc, cố gắng hoàn thiện các đồ án quy hoạch lớn đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất. Hiện nay, Đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 đang khẩn trương hoàn thiện theo góp ý của các bộ, ngành Trung ương.
- Điều đó có nghĩa đến giờ phút này, Khánh Hòa đã thiết lập được các tọa độ phát triển cần thiết cho hành trình vươn tầm của mình, thưa ông?
- Không chỉ là thiết lập các tọa độ phát triển đơn thuần, khi các đồ án quy hoạch lớn của tỉnh hoàn thành sẽ thể hiện rõ các mục tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn. Qua đó, thiết lập nên những sơ đồ phát triển chi tiết cho từng khu vực, lĩnh vực và các ngành tương ứng. Theo các quy hoạch, định hướng những năm tới tỉnh sẽ hiện đại hóa các ngành dịch vụ, phát triển du lịch chất lượng cao; phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển và logistics gắn với phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác tốt hơn các tiềm năng của tỉnh gắn với xu thế phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước; phát triển mạnh ngành khai thác thủy sản gắn với trung tâm nghề cá lớn và ngành nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh sẽ tập trung phát triển hệ thống đô thị theo hướng thông minh, bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy bản sắc đô thị biển - đảo - sông - núi; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đóng vai trò trung tâm kết nối trong vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á... Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
- Với những mục tiêu lớn như vậy, tỉnh cần một nguồn lực tương xứng, cần những nhà đầu tư đủ tầm vóc nhằm tạo nên sự đột phá cho tỉnh. Xin ông cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ làm gì nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả nhất?
- Để thu hút được các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Khánh Hòa xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; nâng cao thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX)... Đồng thời, tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp với cơ cấu tổ chức và nhân sự phù hợp, đảm nhận chức năng điều hành các hoạt động tiếp thị địa phương và hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước đầu tư quốc tế; ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư các dự án ngoài ngân sách.
Song song đó, tỉnh sẽ phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào những ngành quan trọng như: Du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, để tạo ra huyết mạch cho sự phát triển, tỉnh sẽ nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch và hạ tầng số; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành các tuyến đường cao tốc, nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh, liên vùng; phát triển hệ thống cảng biển hiện đại phục vụ cung cấp dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics cho cả khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng thời, đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại tại Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm và KKT Vân Phong; xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làm tiền đề thu hút các dự án sản xuất công nghiệp chất lượng cao; đầu tư hạ tầng du lịch hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp; phát triển nhanh hạ tầng số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
- Hiện nay, điều khá nhiều nhà đầu tư quan tâm là tỉnh sẽ có định hướng phát triển dàn trải hay phát triển có điểm nhấn, thưa ông?
- Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, sự phát triển của tỉnh sẽ là tổng lực và đồng bộ trên nhiều phương diện và đều khắp các địa phương. Song, để tạo động lực phát triển mới, có những cú hích đủ mạnh, tạo nên bệ phóng cho sự phát triển vượt bậc, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển KKT Vân Phong và đô thị Cam Lâm. Trong đó, phát triển toàn diện KKT Vân Phong, tập trung vào du lịch biển chất lượng cao và đô thị du lịch biển cao cấp; cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng hiện đại, thân thiện với môi trường. Đối với khu vực Cam Lâm sẽ xây dựng thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn sẽ được kêu gọi đầu tư, phát triển đúng định hướng và quy hoạch; tập trung xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa trên biển của cả nước.
Với những nội dung định hướng trên, tỉnh cam kết và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện nhất quán quan điểm “Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp”. Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
ĐÌNH LÂM - VĂN KỲ
(Thực hiện)