Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của các địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính cho biết:
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của các địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính cho biết:
- Hiện nay, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn rất khó khăn bởi đây là những huyện nghèo, có xuất phát điểm thấp, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tuy tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm nhưng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển KT-XH của các địa phương này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết cho phép các địa phương trong tỉnh có điều kiện tốt hơn sử dụng ngân sách và các nguồn thu hợp pháp khác hỗ trợ 2 huyện miền núi sẽ kịp thời hỗ trợ cho huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn phát triển KT-XH trong 5 năm tới. Trong đó, tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các công trình chống sạt lở, phòng, chống thiên tai, bão lũ, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, hệ thống nước sạch phục vụ nhân dân; đầu tư các mô hình phát triển sản xuất; đối tượng thụ hưởng trực tiếp là hộ nghèo, vùng khó khăn để góp phần giúp 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025.
Nghị quyết này còn là căn cứ pháp lý để UBND tỉnh sử dụng ngân sách các địa phương có điều kiện tốt hơn hỗ trợ 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn khắc phục hạn chế “chênh lệch phát triển trong nội tỉnh còn cao” và thực hiện mục tiêu phát triển 2 huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”; nhằm hướng đến mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
- Thưa ông, nguyên tắc, mức hỗ trợ ngân sách các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cho 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được quy định như thế nào?
- Về nguyên tắc, căn cứ vào số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán HĐND tỉnh giao, ngân sách huyện thực hiện nộp kinh phí hỗ trợ về ngân sách tỉnh để tổng hợp và bổ sung cho ngân sách huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn thực hiện theo mục tiêu của Nghị quyết số 55 của Quốc hội: “Hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Mức hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Năm 2023, mức hỗ trợ là 20% số tăng thu ngân sách cấp huyện (bao gồm tăng thu tiền sử dụng đất) sau khi trích tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Đối với các năm tiếp theo (trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội), mức hỗ trợ tối thiểu là 10% số tăng thu ngân sách huyện (bao gồm tăng thu tiền sử dụng đất) sau khi trích tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Căn cứ vào nguồn thu phát sinh trên địa bàn các địa phương, UBND tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế nhưng không thấp hơn mức tối thiểu mà nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)