Thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã đề xuất cơ chế mới, cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn.
Thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã đề xuất cơ chế mới, cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn.
Điều chỉnh tăng mức hỗ trợ
Những năm qua, tuy được tỉnh quan tâm, đầu tư nhưng 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn vẫn chưa có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, với Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội, 2 huyện nói trên sẽ có những cơ hội để phát triển đột phá. Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn chia sẻ: “Theo Nghị quyết số 55, HĐND tỉnh có thẩm quyền cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của địa phương mình và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ giúp các địa phương trong tỉnh có điều kiện tốt hơn hỗ trợ cho 2 huyện miền núi khắc phục hạn chế và thực hiện mục tiêu phát triển 2 huyện miền núi trở thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng như Nghị quyết số 09 đã đề ra”.
Từ tháng 8-2022, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND tỉnh về chủ trương xây dựng Nghị quyết về bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 16/2021 của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi thường xuyên giữa các cấp ngân sách ở địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025. Theo đó, mức hỗ trợ từ ngân sách các huyện, thị xã, thành phố cho ngân sách 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn là 10% số tăng thu (bao gồm tăng thu tiền sử dụng đất). Tuy nhiên, qua rà soát, mức hỗ trợ này chưa đủ để tạo động lực cho 2 huyện miền núi phát triển. Do đó, UBND tỉnh đã đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cho phép xây dựng nghị quyết mới cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của mình và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn với mức hỗ trợ trong năm 2023 là 20% số tăng thu ngân sách cấp huyện (bao gồm tăng thu tiền sử dụng đất) sau khi trích tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương; những năm tiếp theo, căn cứ vào nguồn thu phát sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố sẽ điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đề xuất nhiều dự án đầu tư
Để tranh thủ cơ hội từ Nghị quyết số 55 của Quốc hội, huyện Khánh Sơn đã tiến hành rà soát nhu cầu kinh phí, dự kiến danh mục các công trình, dự án cần đầu tư. Theo đó, địa phương kiến nghị đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết, gồm: 6 công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi (hồ Tà Lương; hồ Sơn Bình; nâng cấp hệ thống xử lý nước sinh hoạt 5 xã: Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc; kè sông Tô Hạp đoạn qua xã Sơn Bình; kè sông Tô Hạp đoạn qua xã Sơn Lâm; Khu tái định cư Tà Lương, thị trấn Tô Hạp), với tổng nhu cầu vốn khoảng 375 tỷ đồng; 3 công trình giao thông (Nâng cấp cầu tràn Tà Lương; xây dựng đường Đinh Tiên Hoàng, thị trấn Tô Hạp; xây dựng cầu tràn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp), với tổng nhu cầu vốn khoảng 170 tỷ đồng; xây dựng và cải tạo điểm Trường Tiểu học Tà Giang 1, xã Thành Sơn, với tổng nhu cầu vốn khoảng 6 tỷ đồng; xây dựng sân vận động huyện Khánh Sơn với tổng nhu cầu vốn khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Khánh Sơn còn đề xuất hỗ trợ kinh phí hơn 29,6 tỷ đồng xây mới 742 căn nhà và hơn 15,1 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa 759 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương; hỗ trợ 12,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất cho người dân.
Trong khi đó, huyện Khánh Vĩnh đề xuất thực hiện 10 công trình khắc phục hậu quả thiên tai, với tổng nhu cầu vốn hơn 90 tỷ đồng; 73 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổng nhu cầu vốn hơn 199 tỷ đồng; 6 công trình hệ thống nước sạch, tổng nhu cầu vốn 35,5 tỷ đồng; 2 công trình thiết chế văn hóa, tổng nhu cầu vốn khoảng 44 tỷ đồng… Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Các công trình, dự án mà huyện đề xuất phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương; có ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, đời sống của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đưa kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh và bền vững…”.
Qua khảo sát thực tế và làm việc với 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn mới đây, ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị: 2 huyện phải nhanh chóng đề xuất các công trình, dự án đầu tư thực sự hiệu quả, tạo động lực cho phát triển nhanh, bền vững cho các địa phương. Các công trình đầu tư cần tránh dàn trải, phải tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội địa phương, giúp giảm nghèo bền vững cho người dân... |
HẢI LĂNG - VĨNH THÀNH