22:49, 17/09/2024

Xác định mũi đột phá trong thực hiện chuyển đổi số

TÙNG NGUYÊN

Ngày 16-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Trước đó, nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Việc trong một thời gian ngắn, các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm, ra những văn bản quan trọng nhấn mạnh về chuyển đổi số chứng tỏ đây là công việc rất cấp bách. Thật vậy, chuyển đổi số là quá trình diễn ra toàn cầu với sự so kè quyết liệt về mặt thời gian của các quốc gia, bởi ai cũng hiểu nước nào đi trước và tận dụng cơ hội chuyển đổi số toàn diện nhất sẽ có được ưu thế cạnh tranh vượt trội. Mặc dù định hướng mục tiêu chiến lược chuyển đổi số ở các quốc gia tương đồng nhau, nhưng nhiệm vụ, giải pháp, mũi đột phá có thể khác nhau do mỗi quốc gia có hệ thống, phương pháp quản lý, vận hành, thuận lợi, khó khăn khác nhau. Chẳng hạn như: Trung Quốc tập trung xây dựng chính phủ số; Mỹ tập trung vào xây dựng doanh nghiệp số; Đức là ứng dụng công nghệ số trong sản xuất; Vương quốc Anh, Đan Mạch, Singapore định hướng tập trung phát triển dịch vụ công số…

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Còn tại Chỉ thị số 34 của Thủ tướng đã chỉ rõ bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thời gian qua trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu…, quá trình triển khai cũng bộc lộ không ít thách thức và bất cập. Theo đó, người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm; công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiến triển chậm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao; nguy cơ về mất an toàn thông tin mạng còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức; chưa đầu tư nguồn lực thích đáng, đặc biệt là việc thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng... Từ đó xác định chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Từ Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào phương pháp tiếp cận và bài học kinh nghiệm triển khai thành công Đề án 06, mỗi bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tìm ra mũi đột phá cho mình.

Tại Khánh Hòa, dự kiến đầu tháng 10-2024, UBND tỉnh sẽ tổ chức diễn đàn chính sách địa phương với chủ đề "Chuyển đổi số - Bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa”, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu, sẽ tập trung trao đổi về các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển hạ tầng số gắn với phát triển kinh tế - xã hội quốc gia thời gian tới; định hướng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2030 của tỉnh; chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh. Cùng với diễn đàn, UBND tỉnh sẽ tổ chức Ngày hội công nghệ số tỉnh năm 2024 và dự kiến ra mắt, đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Những hoạt động này hy vọng sẽ góp phần mở ra những hướng tiếp cận mới, giúp tỉnh có định hướng, xác định được mũi đột phát trong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực, phạm vi quản lý của địa phương mình.

TÙNG NGUYÊN