Chiều 11-6, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số năm 2023: Cải cách hành chính (PAR-Index); hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và bàn giải pháp tiếp tục cải thiện các chỉ số đánh giá đối với tỉnh. Dự hội nghị có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh...
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo. |
Đề xuất một số giải pháp để cải thiện các chỉ số
Năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, GRDP của tỉnh đạt 60.158 tỷ đồng, tăng 10,35%, tiếp tục dẫn đầu 14 địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Từ đó, đã góp phần cải thiện nhiều chỉ số đánh giá đối với tỉnh trong năm 2023. Qua gần 2 năm triển khai Kết luận số 91 ngày 18-10-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác lãnh đạo nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu ngày càng được phát huy.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu kết luận. |
Tuy nhiên, chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 giảm 18 bậc so với năm 2022. Theo ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân tác động đến việc giảm bậc PCI của tỉnh, trong đó có việc các vụ án kinh tế, nhất là những vụ án liên quan đến các sai phạm chậm xử lý; chưa có cơ chế, chủ trương thống nhất hướng xử lý đối với các dự án có sai phạm dẫn đến phát sinh trường hợp giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến các dự án này bị kéo dài, chậm giải quyết... Ông Nhân đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, Chỉ số xanh (PGI); giải quyết sớm các dự án sai phạm; đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các trường đại học lớn mở phân hiệu, chi nhánh tại tỉnh; tăng nguồn cung về nhà ở xã hội; triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh... Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết liệt, đột phá trong việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh; tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; có giải pháp xây dựng hồ sơ mẫu và cải tiến, sáng tạo trong phương pháp làm việc...
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu |
Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng Văn phòng đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khánh Hòa đề nghị tỉnh tập trung triển khai những giải pháp bứt phá đối với các chỉ số thành phần đang giảm điểm, như: Chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý, an ninh trật tự; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo bà Nguyệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện tốt các mô hình sáng tạo, cách làm hay; đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp địa phương cùng vào cuộc. Tỉnh cần xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hơi, cải tiến liên tục để giữ hạng và tăng hạng các chỉ số qua từng năm. Qua đó, thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội tỉnh.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính
Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, liên quan đến các chỉ số được phân tích tại hội nghị này, UBND tỉnh đã có 3 văn bản chỉ đạo, giao cụ thể trách nhiệm và thời hạn báo cáo UBND tỉnh về việc rà soát kết quả khắc phục hạn chế và đề xuất giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan đầu mối tham mưu theo phân công của UBND tỉnh chủ trì, tổng hợp, báo cáo, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị không thực hiện, làm ảnh hưởng đến kết quả các chỉ số năm 2023 của tỉnh; đề xuất giải pháp khắc phục trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt Kết luận số 91 và Chương trình hành động số 12823 ngày 23-12-2022 của UBND tỉnh triển khai Kết luận số 91; nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào mô hình quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, phấn đấu chỉ số hài lòng đạt hơn 87% trong năm 2024 và 90% trong năm 2025. Bên cạnh đó, mở rộng các hình thức hỗ trợ, tư vấn phù hợp cho doanh nghiệp, người dân theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, chủ trương cải cách hành chính của Trung ương, địa phương, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Qua đó, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tư vấn, hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục hành chính. |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã khẳng định việc hoàn thiện bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính là 1 trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cũng là 1 trong 4 đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện được các mục tiêu đó và tiếp tục nâng cao các chỉ số, đồng chí Nguyễn Hải Ninh yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình; đổi mới mạnh mẽ tư duy; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, phân công những vị trí phù hợp; điều động, biệt phái cán bộ hỗ trợ những nơi có khối lượng công việc lớn; khẩn trương đào tạo chuẩn hóa cán bộ cơ sở. Các cơ quan tham mưu cần có cơ chế kiểm soát việc tổ chức thực hiện, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện...
Một số chỉ số đánh giá năm 2023 đối với Khánh Hòa so với năm 2022:
- PAPI: 44,9419/80 điểm; xếp thứ 8/61, tăng 8 bậc.
- PAR Index: 88,6%; xếp thứ 14/63, tăng 11 bậc.
- SIPAS: 81,09%; xếp thứ 43/63, tăng 10 bậc.
- Chỉ số xanh (PGI): 22,86/40 điểm; xếp thứ 15/63, tăng 19 bậc.
- PCI: 66,52/100 điểm; xếp thứ 34/63, giảm 18 bậc.
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin