Chiều 29-5, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa do bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương liên quan về chuyên đề "Giám sát công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa". Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan làm việc với đoàn.
Bà Phạm Thị Xuân Trang phát biểu tại cuộc họp. |
Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về chuyên đề "Giám sát công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa", trên địa bàn tỉnh hiện có 29 hồ chứa nước thủy lợi với dung tích khoảng 223 triệu m3 nước, trên 110 đập dâng, 63 trạm bơm và hơn 2.200km kênh mương thủy lợi. Hệ thống công trình thủy lợi này đảm bảo tưới tiêu hơn 18.000ha cây trồng các loại, phục vụ cấp nước đa mục tiêu cho nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt, dịch vụ du lịch và sản xuất công nghiệp với hơn 40.000m3/ngày đêm.
Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBND cấp huyện để thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn đã được ban hành; các tài sản kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp và bàn giao cho các cơ quan đơn vị thực hiện việc quản lý, khai thác tài sản; một số nội dung quy định về đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa nước đã được các đơn vị được giao quản lý, khai thác thực hiện; giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác đã được đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi xây dựng và ban hành...
Thay mặt đoàn giám sát, bà Phạm Thị Xuân Trang nhìn nhận, bên cạnh mặt đạt được, quá trình quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc, chẳng hạn như việc chồng lấn phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; công tác bảo vệ hành lang an toàn thủy lợi còn hạn chế; việc ban hành các thông báo xả lũ cần hợp lý hơn; một số công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng, giảm công năng nhưng chậm được đầu tư sửa chữa; hệ thống công trình thủy lợi mới đảm bảo tưới cho 18,7% diện tích sản xuất nông nghiệp là còn thấp; việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước một số nơi còn chưa tốt…
Ngoài việc đưa ra các khó khăn, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh cũng đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trong việc bảo vệ các công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, rà soát và hoàn thiện hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với các công trình thủy lợi; hoàn thiện quy chế phối hợp, quy trình vận hành các công trình thủy lợi; tập trung chỉ đạo giải quyết đối với các trường hợp người dân đang sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, tái cơ ngành nông nghiệp, chủ động phòng chống thiên tai và đạt mục tiêu đề ra của Quy hoạch tỉnh; đồng thời, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Cuộc họp đã thống nhất với dự thảo báo cáo của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh về công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi. Báo cáo này sẽ được trình bày tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh vào tháng 7 tới.
H.Đ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin