Kỳ 2: Những quyết sách cấp bách, hợp lòng dân
Nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND tỉnh Khánh Hòa diễn ra trong bối cảnh tỉnh Khánh Hòa được Trung ương quan tâm ban hành các nghị quyết tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh, HĐND tỉnh đã khẩn trương, trách nhiệm, có nhiều quyết sách quan trọng nhằm chung sức xây dựng, phát triển tỉnh; kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách, hợp lòng dân.
Chung sức xây dựng, phát triển tỉnh
Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra cơ hội phát triển bứt phá cho tỉnh trong giai đoạn tới. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với tỉnh trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Theo dõi hoạt động của HĐND tỉnh, cử tri trong tỉnh đánh giá rất cao tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của HĐND tỉnh để cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh, đặc biệt là cụ thể hóa thẩm quyền của HĐND tỉnh được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 55.
Đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND TP. Cam Ranh tiếp xúc cử tri. |
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ: “Nghị quyết số 55 của Quốc hội với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh. Do thời gian thực hiện chỉ trong 5 năm nên việc HĐND tỉnh nhanh chóng thông qua các nghị quyết nhằm cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền được Quốc hội giao có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, ngay khi nhận được các nội dung liên quan do UBND tỉnh trình, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban của HĐND tỉnh chủ động phối hợp, thẩm tra với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc; đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng; đầy đủ các dữ liệu thông tin để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, biểu quyết thông qua các nghị quyết”.
Thường trực HĐND tỉnh khảo sát các công trình mà UBND huyện Khánh Vĩnh đề xuất thực hiện từ nguồn vốn của chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội. |
Với tinh thần ấy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh. Cụ thể như: Danh mục dự án đầu tư công thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn; quy định trình tự, thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong, huyện Cam Lâm và các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, còn các nghị quyết khác liên quan đến đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường kết nối liên vùng giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận, Khánh Hòa và Đắk Lắk; thông qua các quy hoạch lớn của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Những chính sách hợp lòng dân
Tôi vẫn còn nhớ, hoạt động của HĐND tỉnh khóa VII bước vào đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trong thời gian dài. Khi ấy, cả hệ thống chính trị của tỉnh phải gồng mình chống dịch. Vì thế, trong phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa VII, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ đã rất nặng nề. Trong số những nhiệm vụ cấp bách là tiếp tục kích hoạt, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để lan rộng trong cộng đồng, trên tinh thần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, không chủ quan và phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để tạo đà cho phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch… Người đứng đầu Tỉnh ủy đã gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào các đại biểu, cơ quan dân cử tỉnh trong phát huy tối đa vai trò của mình để cùng cả hệ thống chính trị của tỉnh vững vàng vượt qua đại dịch, phục hồi và đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.
Để UBND tỉnh kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngay tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VII đã ban hành nhiều quyết sách kịp thời hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, như: Mua và sử dụng vắc xin phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tăng mức hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế…
Cử tri TP. Cam Ranh gửi gắm kỳ vọng vào các đại biểu HĐND tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề cử tri bức xúc. |
Trong năm 2022 và 2023, cùng với việc kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội tỉnh sau đại dịch, HĐND tỉnh ban hành nhiều chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Có thể kể đến những chính sách đã tác động trực tiếp đến các đối tượng yếu thế, người dân ở vùng khó khăn như: Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn… Các chính sách an sinh xã hội này đã giảm bớt gánh nặng trên vai người dân, từng bước ổn định, phát triển đời sống của nhân dân toàn tỉnh. Đại biểu HĐND tỉnh Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn nhận định: “Đây là những quyết sách hợp lòng dân, được cử tri đồng tình rất cao. Qua giám sát việc triển khai các chính sách này đã cho thấy những kết quả tích cực trong công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, người dân sinh sống ở những khu vực có điều kiện khó khăn như ở huyện Khánh Sơn”.
Đảm bảo chất lượng các kỳ họp
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 11 kỳ họp thường lệ, 10 kỳ họp chuyên đề. Qua đó, đã ban hành 398 nghị quyết - con số kỷ lục từ trước đến nay.
Một số đại biểu HĐND khóa trước khi theo dõi các kỳ họp HĐND tỉnh khóa VII đã đánh giá, HĐND tỉnh khóa VII tổ chức rất nhiều kỳ họp, chất lượng các kỳ họp được đảm bảo là nhờ cách tổ chức hợp lý, khoa học, vừa kịp thời vừa thực chất và hiệu quả. Các kỳ họp đều diễn ra với tâm thế chủ động, tiếp tục có nhiều cải tiến rõ rệt như: Nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm; giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận; công tác điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền hình trực tiếp các nội dung quan trọng để cử tri theo dõi...
Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chia sẻ: “HĐND tỉnh tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề nhưng không vì thế mà giảm yêu cầu về chất lượng. “Vấn đề nào đã chín, đã rõ, có sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình kỳ họp. Không phải vì gấp, nể nang mà thông qua”, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói”.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, HĐND tỉnh sẽ linh hoạt tổ chức các kỳ họp chuyên đề giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh. Để đảm bảo chất lượng các kỳ họp, công tác chuẩn bị tiếp tục được cải tiến từ việc phối hợp xây dựng chương trình, chuẩn bị nội dung, tổ chức tiếp xúc cử tri, khảo sát, thẩm tra, giải trình, đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thông tin, tuyên truyền, triển khai “kỳ họp không giấy”… Chủ tọa điều hành kỳ họp sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng linh hoạt, dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận, giúp HĐND, UBND tỉnh đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh toàn diện, phù hợp với thực tiễn.
HẢI LĂNG
Kỳ 1: Đi đến tận cùng vấn đề cử tri quan tâm
Kỳ cuối: Đổi mới thực chất, toàn diện, đồng bộ và linh hoạt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin