Kỳ cuối: Đổi mới thực chất, toàn diện, đồng bộ và linh hoạt
"Đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan dân cử tỉnh theo hướng thực chất, toàn diện, đồng bộ và linh hoạt" là một trong những yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đối với cơ quan dân cử tỉnh khi dự Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây cũng là kỳ vọng mà cả hệ thống chính trị tỉnh đặt ra đối với HĐND tỉnh nhiệm kỳ này. Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số đổi mới đáng chú ý trong hoạt động của cơ quan dân cử tỉnh.
Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh: CÔNG ĐỊNH |
Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri
- Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tỉnh. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh thời gian qua?
- Kế thừa những kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ này, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định, đồng thời có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức về trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; thể hiện rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu và cử tri theo phương châm "nghe dân nói và nói để dân nghe". Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong hoạt động tiếp xúc cử tri đã được nâng lên, theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình thực tiễn của tỉnh. Không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần. Bên cạnh hình thức tiếp xúc thường lệ, HĐND tỉnh đã tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định tại kỳ họp; tổ chức lồng ghép tiếp xúc cử tri nhiều cấp nhằm tạo thuận tiện cho việc tiếp thu, trao đổi, trả lời kiến nghị của cử tri.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, vẫn phải nhìn nhận rằng, việc tổ chức tiếp xúc cử tri thời gian qua đôi khi còn đơn điệu, dẫn đến hiệu quả chưa thực sự đạt được như mong muốn. Phần lớn ý kiến của cử tri tại các buổi tiếp xúc thường là phản ánh, hoặc yêu cầu giải quyết các vụ việc cụ thể liên quan đến quyền lợi của cá nhân gia đình, khu dân cư; ít có ý kiến tham gia đóng góp các vấn đề liên quan đến chương trình kỳ họp, vấn đề quan trọng, quyết định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong một số cuộc tiếp xúc cử tri, chủ trì hội nghị chưa chú trọng định hướng, cung cấp thông tin về những nội dung trọng tâm cần xin ý kiến để cử tri phát biểu; việc trả lời của các đại biểu HĐND tỉnh hoặc đại diện chính quyền tại buổi tiếp xúc còn chung chung…, dẫn đến một số cử tri còn chưa mặn mà với diễn đàn này.
- Đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của cơ quan dân cử tỉnh, thưa ông?
- Để làm phong phú thêm hình thức, nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp xúc cử tri, trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức hoạt động tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến; tổ chức theo mô hình tiếp xúc nhiều cấp; nhân rộng hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo khu vực dân cư… Để phát huy được hiệu quả chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan dân cử tỉnh với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, từ khâu xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt nội dung tiếp xúc đến việc phân công, phân nhiệm rõ ràng. Trong đó, sẽ phân bổ chương trình, dành nhiều thời gian để cử tri thể hiện tâm tư, nguyện vọng, đề xuất ý kiến, kiến nghị; việc phân loại và chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri phải đúng địa chỉ, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề bức xúc, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Thêm vào đó, các đại biểu phải tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc nhóm, quan sát, ứng biến kịp thời, quản lý tốt thời gian tiếp xúc… Mỗi đại biểu, tổ đại biểu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc, giám sát đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đổi mới trên các mặt công tác
- Giám sát là nhiệm vụ quan trọng, chức năng chính yếu của HĐND tỉnh, được cử tri đánh giá là đã có nhiều đổi mới, xin ông chia sẻ về vấn đề này?
- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh được quan tâm triển khai thường xuyên, có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể hóa, thực chất và hiệu quả, đi vào những vấn đề trọng tâm, bức thiết, được cử tri, dư luận quan tâm, tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý đất đai, chính sách an sinh, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc triển khai các nhiệm vụ để thực hiện thành công Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Các cuộc giám sát chuyên đề đều được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, được đại biểu HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và cách thức tổ chức thực hiện của cơ quan giám sát và đối tượng chịu sự giám sát.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn “đúng”, “trúng” những vấn đề trọng tâm, bức xúc, phù hợp với yêu cầu của thực tế đã làm cho hoạt động giám sát của cơ quan dân cử tỉnh thông qua các hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn tại các kỳ họp đi sâu vào đời sống xã hội, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết thúc phiên chất vấn, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan thực hiện. Đây cũng là một trong những điểm mới quan trọng, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn có căn cứ, kịp thời, khả thi.
- Cùng với việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, trong thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ chú trọng đổi mới những hoạt động nào, thưa ông?
- Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh chính là sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, nhằm kiến tạo, phát triển tỉnh nhà, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì lẽ đó, hoạt động của cơ quan dân cử tỉnh trong thời gian tới phải tiếp tục chú trọng đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện hơn. Đặc biệt là quan tâm cải tiến, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị tổ chức các kỳ họp, từ việc phối hợp xây dựng chương trình, nội dung, tổ chức tiếp xúc cử tri, thẩm tra, giải trình đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, công tác thông tin, tuyên truyền... Đối với một số dự thảo nghị quyết quan trọng sẽ có sự chủ động tham gia từ sớm, từ xa của Thường trực HĐND tỉnh; đi đôi với việc tích cực phát huy vai trò, nâng cao tính phản biện trong công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, làm cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh thảo luận và đưa ra những quyết sách đúng đắn tại kỳ họp. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp của Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong công tác xây dựng, ban hành các chính sách để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương. Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, xử lý kịp thời các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp, linh hoạt tổ chức các kỳ họp chuyên đề, có ý kiến về những nội dung cần thiết, cấp bách phát sinh theo quy định của pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để UBND tỉnh điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin