22:36, 24/10/2023

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

TRÍ NGHĨA

* Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội

Sáng 24-10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

 
Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Tháp, Hải Dương.


Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tham gia thảo luận tổ gồm có: ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh; bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.


Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong điều hành nền kinh tế; qua đó, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, năm sau khả quan hơn năm trước, quý sau tích cực hơn quý trước.


Thảo luận về nội dung này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có 4 đại biểu tham gia ý kiến. 

Đại biểu Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cần phân tích sâu hơn và làm rõ những điểm hạn chế, nhất là vấn đề tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm, chỉ bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch. Ông Hà Quốc Trị cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, dù Trung ương đã đề ra những chính sách rất thông thoáng về tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhưng các cấp địa phương thì thực hiện một cách quá chặt chẽ. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. 


Cùng với đó, tình trạng này cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan: Các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh còn chậm trong lập, phê duyệt, triển khai, gây tắc nghẽn trong vấn đề liên quan đến đất đai, làm ảnh hướng đến việc đầu tư tư nhân.


Về lĩnh vực du lịch, ông Hà Quốc Trị phản ánh, tuy chủ trương từ Trung ương rất thông thoáng, nhưng thực tế tại địa phương, ở một số cửa khẩu, thủ tục nhập cảnh còn rất khó khăn, rườm rà, chậm chạp, gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch. Nếu không có các cải cách mạnh mẽ và triệt để trong tiết giảm thủ tục hành chính thì sẽ còn nhiều khó khăn trong việc phục hồi, phát triển du lịch.


Từ các thực trạng trên, đại biểu Hà Quốc Trị kiến nghị, ở lĩnh vực tài chính cũng như trong lĩnh vực quản lý du lịch, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần quán triệt đường lối, chủ trương từ Trung ương để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, tường minh, chi tiết để chủ trương đó được thực hiện hiệu quả trên thực tiễn.


Đối với việc triển khai các quy hoạch, ông Hà Quốc Trị đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương, nỗ lực, trách nhiệm và sâu sát trong công tác này, để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, sớm tạo được điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư tham gia mở rộng kinh doanh, sản xuất, góp phần phục hồi và phát triển nhanh chóng nền kinh tế.


Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Lê Hữu Trí - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa cho rằng năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến đổi nhanh, phức tạp khó lường vượt ra khỏi dự báo cả về kinh tế, chính trị, tác động trực tiếp và gián tiếp đến nước ta, nền kinh tế nước ta chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài và khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, người dân; kinh tế - xã hội đất nước đang tiếp tục phục hồi, phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, giữ vững được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các vấn đề lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, kết quả đạt được của năm 2023 là rất đáng trân trọng. Đại biểu cũng thẳng thắn nêu rõ những hạn chế trong một số lĩnh vực: Đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích và có giải pháp quyết liệt hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành từ nay đến hết năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Trong đó, ông Lê Hữu Trí nhấn mạnh những hạn chế, yếu kém trong đầu tư công chậm được khắc phục nhất là khâu tổ chức thực hiện; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ, trong đó cần chú ý là những ách tắc do thủ tục hành chính và lề lối làm việc của cán bộ công chức trong hệ thống hành chính công. Chính phủ cần đánh giá những tác động và hiệu quả của các chính sách miễn giảm thuế đối với người dân, doanh nghiệp. Tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.


Trong lĩnh vực xã hội, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần có những chiến lược dài hạn để nhằm nâng cao năng xuất lao động.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu.
Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu.

Liên quan đến vấn đề khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, đại biểu đề nghị cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, chậm thanh toán các danh mục thuốc theo bảo hiểm y tế,… Đây là những vấn đề nóng trong xã hội được nhiều cử tri quan tâm. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề này.


Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn nhiều bất cập, chưa có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất còn hạn chế. Nhấn mạnh đến chính sách giáo dục cần phải được nhà nước quan tâm, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để khắc phục sớm những bất cập trong lĩnh vực giáo dục.


Tham gia thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Trong báo cáo cần phải đánh giá được được các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết những tồn tại, hạn chế đó.

Cho ý kiến về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh thống nhất với báo cáo của của Chính phủ và báo cáo thẩm tra. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát và thực hiện các giải pháp xử lý kết quả sau rà soát, khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật theo thẩm quyền và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh theo lộ trình cụ thể. Đồng thời, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị xem xét việc cho hợp nhất các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

 

* Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự


Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 14 giờ ngày 24-10-2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.


Tham gia phát biểu góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Lê Xuân Thân thống nhất và tán thành cao với tờ trình và báo cáo thẩm tra. Đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật. Đối với quy định về giải thích từ ngữ, đại biểu cho rằng, cần có cách giải thích các thuật ngữ quân sự dễ hiểu, rõ ràng hơn. Đặc biệt, cần giải thích kỹ khái niệm công trình quốc phòng, khu quân sự các loại, công trình lưỡng dụng.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia Khánh Hòa phát biểu.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho biết, dự thảo luật đang quy định “Luật này quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.” Đại biểu đề nghị sửa thành “Luật này quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.”


Đối với việc quản lý sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo luật có quy định như sau: Trong khu vực cấm, diện tích đất, mặt nước chưa phải là đất, mặt nước sử dụng vào mục đích quốc phòng thì phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “mặt nước chưa phải là đất” để đảm bảo tính rõ ràng, tường minh trong văn bản pháp luật.


Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá, so với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ hop này đã được chỉnh sửa làm rõ hơn nhiều nội dung có liên quan đến việc quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn có những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện liên quan đến giải thích từ ngữ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu.


Đại biểu cho biết, tại Điều 2 về giải thích từ ngữ còn mốt số cụm từ chưa thực sự khoa học và còn khó hiểu ví dụ cụm từ “kho đạn dược”; cụm từ “hệ thống anten quân sự”.


Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 chỉ quy định về phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự và Điều 6 quy định về phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên, nội dung Điều 5 của dự thảo lần này quy định về phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự không được sử dụng tại các Chương 2, Chương 3 và chương khác. Hơn nữa, phần giải thích từ ngữ về công trình quốc phòng khu quân sự đã được nêu tại Điều 2 nhưng tại Điều 5 tiếp tục đưa ra các giải thích từ ngữ của hai thuật ngữ trên. Do vậy dự thảo cần quy định ở Điều 2.


Ngoài ra, dự thảo luật có nhiều quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa những nội dung nào có thể quy định ngay trong luật, hạn chế giao Chính phủ quy định chi tiết.


TRÍ NGHĨA