Sáng 24-10, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các sở ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án thuộc Đề án Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023.
Tại cuộc họp, các chủ đầu tư của 3 dự án trọng điểm gồm: Dự án Sửa chữa, nâng cấp hồ Đá Bàn, thị xã Ninh Hòa (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư); Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 26B kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đến cảng Nam Vân Phong (Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư) và Dự án Nâng cấp và làm mới đường Tỉnh lộ 6, thị xã Ninh Hòa (do Sở Giao thông vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư) đã báo cáo cụ thể tiến độ thực hiện; những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch; khối lượng xây lắp, giá trị giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thanh quyết toán và kế hoạch bố trí vốn, điều chuyển vốn. Các đơn vị dự báo những thuận lợi, khó khăn trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh một số vấn đề liên quan.
Ông Lê Hữu Hoàng kết luận cuộc họp. |
Đối với 8 dự án thuộc Đề án Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023, hiện có 4 dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án còn lại đang trong quá trình lập báo cáo đề xuất đầu tư hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị trình HĐND xem xét phê duyệt tại kỳ họp tới. Các chủ dự án cũng báo cáo cụ thể về lộ trình thực hiện tiếp theo.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị các đơn vị bảo đảm tiến độ và kịp thời báo cáo tỉnh theo đúng thời hạn đề ra của từng dự án. Đối với các dự án thuộc Đề án trái phiếu chính quyền địa phương chưa được HĐND tỉnh thông qua, cần sớm hoàn thiện hồ sơ để kịp trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 12 tới. Ông Lê Hữu Hoàng yêu cầu các sở, ngành khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện, cùng với Sở Tài Chính cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện các dự án. Các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện không thể giải quyết, cần sớm báo cáo về UBND tỉnh trong tháng 11 để có hướng xử lý.
Được biết, tính đến đầu tháng 10-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (theo kế hoạch vốn UBND tỉnh giao thực tế) là gần 61,2%. Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân chưa cao có cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, hiện nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương 1.000 tỷ đồng vẫn chưa phân bổ được; các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đối với các dự án không có cấu phần xây dựng, khiến các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thủ tục đầu tư. Về nguyên nhân chủ quan, đa phần đều do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư các dự án thực hiện chậm; ngoài ra, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay lại Chính phủ đang gặp vướng mắc, phía Ngân hàng Thế giới yêu cầu tỉnh rà soát lại nhiều phần việc.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin