22:38, 12/07/2023

Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa: Chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ diễn tập

Theo kế hoạch, từ ngày 22 đến 25-9 sẽ diễn ra cuộc diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023, trong đó có nội dung thực binh ứng phó sự cố, tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) trên biển do lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Khánh Hòa chủ trì. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Đại tá Phan Thăng Long - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về công tác chuẩn bị các nội dung được giao.

Đại tá Phan Thăng Long.

-  Xin ông cho biết về vai trò và mục đích, yêu cầu các nội dung mà BĐBP tỉnh được giao nhiệm vụ tham gia trong cuộc diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023?

- Khánh Hòa là 1 trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, có đường bờ biển dài hơn 385km với thềm lục địa rộng lớn. Điều kiện khí hậu, thời tiết địa phương chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 2 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau. Hàng năm, Khánh Hòa phải chịu ảnh hưởng từ 7 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khó lường, đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với công tác bảo đảm an toàn hàng hải, khai thác thủy sản trên biển và công tác TKCN.

Để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác TKCN, đảm bảo an toàn cho ngư dân. Tuy nhiên, với sự phức tạp của các tuyến đường thủy và hoạt động khai thác nuôi trồng thủy sản, cùng với biến đổi khó lường của thời tiết, vùng biển của tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn. Nếu có tình huống tai nạn xảy ra, việc TKCN sẽ khó khăn và đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lực lượng và đặc biệt là sự thống nhất trong chỉ huy, sự chuyên nghiệp của các lực lượng tham gia.

Để chủ động trong mọi tình huống, cần có dự báo kịp thời và luyện tập xử lý thường xuyên, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng ngay khi chưa có vụ việc xảy ra. Trong những năm qua, các cấp, ngành, lực lượng chức năng đã triển khai tốt công tác huấn luyện, luyện tập cả cơ chế và thực binh TKCN. Tuy nhiên, hình thức và quy mô mới chỉ gói gọn trong phạm vi nhỏ, đơn lẻ từng lực lượng, chưa có sự phối hợp, hiệp đồng, thống nhất chỉ huy của nhiều lực lượng. Vì vậy, việc tổ chức diễn tập trên vùng biển của tỉnh lần này nhằm nâng cao năng lực phối hợp, hiệp đồng, điều hành của các lực lượng trong công tác TKCN; khả năng huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cho công tác TKCN ngư dân bị tai nạn, gặp sự cố trên biển.

Trong đó, mục đích cụ thể cần đạt được là kiểm nghiệm, đánh giá khả năng chỉ huy điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh; khả năng huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; khả năng phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khi có tình huống TKCN trên biển. Thông qua diễn tập, từng bước hoàn thiện và bổ sung kế hoạch, phương án sát với thực tế, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống. Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và ngư dân trong chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống tai nạn xảy ra.

- Được biết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để tham gia diễn tập thực binh TKCN trên biển - một trong những nội dung quan trọng trong cuộc diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị mọi mặt của lực lượng BĐBP tỉnh đến thời điểm hiện tại để sẵn sàng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ diễn tập lần này?

- Đây là cuộc diễn tập lớn, huy động nhiều lực lượng, phương tiện. Do đó, Ban tổ chức đặt ra 4 yêu cầu cần thực hiện. Thứ nhất, quán triệt nghiêm các văn bản chỉ đạo về phối hợp diễn tập TKCN; phát huy tinh thần chủ động của các lực lượng, các ngành trong chuẩn bị, tổ chức diễn tập; xây dựng ý định, phương án diễn tập sát với tình huống thực tế có thể xảy ra, xử lý đạt hiệu quả cao. Thứ hai, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mọi mặt; chỉ huy, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, trang bị; bảo đảm tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức. Thứ ba, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, ngành và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, TKCN; phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ” trong diễn tập cũng như thực tiễn hoạt động; huấn luyện thuần thục cho các lực lượng tham gia diễn tập. Thứ tư, kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung các phương án, kế hoạch; từng bước bảo đảm phương tiện, trang bị, cơ sở vật chất sẵn sàng xử lý hiệu quả các tình huống TKCN trên biển. Hiện tại, ngoài công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng hoàn thiện hệ thống văn kiện diễn tập đúng theo quy định; chuẩn bị đầy đủ về phương tiện, vật chất phục vụ diễn tập, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch bổ sung và đang tổ chức huấn luyện thuần thục cho các lực lượng tham gia thực binh theo kế hoạch. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu tất cả lực lượng tham gia phải phát huy tinh thần cao nhất, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, xử lý kịp thời các tình huống và bảo đảm an toàn lực lượng, phương tiện khi tham gia nhiệm vụ diễn tập trên biển.

- Xin cảm ơn đồng chí!

NAM HUỆ (Thực hiện)