Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các luật gia đã nêu ra một số quy định còn vướng mắc, bất cập so với thực tế.
Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các luật gia đã nêu ra một số quy định còn vướng mắc, bất cập so với thực tế.
Nhiều ý kiến liên quan đến định giá đất
Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kế thừa tinh thần của Luật Đất đai năm 2013 về thẩm quyền của UBND các cấp trong việc quyết định hầu hết các vấn đề về giá đất: UBND xây dựng, quyết định bảng giá đất; xác định, quyết định giá đất cụ thể; quyết định thành lập hội đồng thẩm định bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất cụ thể; lãnh đạo UBND là chủ tịch hội đồng, giám đốc sở tài chính làm phó chủ tịch thường trực hội đồng và một số sở khác. Hội đồng thẩm định giá đất làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, nhưng thành viên hội đồng đa số là cơ quan tham mưu của UBND, chỉ có một tổ chức chuyên gia về giá đất; UBND vừa lập, quyết định, vừa chủ trì hội đồng. Đây là một trong những nội dung có khá nhiều ý kiến, băn khoăn bởi cơ quan tư vấn giá đất là cơ quan chuyên môn, có nghề, nhưng hội đồng thẩm định giá đất lại kiêm nhiệm và không có nghề.
Luật gia Lê Anh Vân đề nghị xem lại, thành phần hội đồng thẩm định chưa bảo đảm khách quan, chuyên nghiệp, bởi ý kiến của chuyên gia có phương pháp, kiến thức chuyên sâu, khoa học chỉ là thiểu số trong hội đồng. Có ý kiến còn cho rằng, không cần thiết thành lập hội đồng thẩm định, bởi nếu có thể thuê tư vấn giá đất thì cũng có thể thuê thẩm định giá đất.
Luật gia Lê Văn Mười nêu thêm, Điều 156 dự thảo luật quy định, trong hội đồng thẩm định bảng giá đất có tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất; hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh, cấp huyện cũng có tổ chức này. Do đó, đề nghị tách ra quy định về tổ chức này ở một khoản riêng để việc tư vấn giá đất chuyên nghiệp, độc lập, khách quan, trung thực.
Còn nội dung mâu thuẫn, chưa khoa học
Đối với nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khoản 8 Điều 60 quy định phải “dân chủ, công khai, minh bạch”, theo luật gia Lê Văn Mười, như vậy chưa đủ, cần bổ sung nguyên tắc “khoa học” trước cụm từ này, bởi đây là nguyên tắc đầu tiên khi lập quy hoạch. Nếu quy hoạch lập không khoa học thì xử lý sẽ phức tạp, tốn kém và khó lường. Luật gia Lê Văn Mười cũng đề nghị, trong thu hồi đất do vi phạm về pháp luật đất đai, không nên quy định “chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư…” như Điều 80. Đề nghị quy định như Luật Đất đai hiện hành là 24 tháng, sau 24 tháng vẫn “treo” thì Nhà nước thu hồi đất, tịch thu phần đầu tư trên đất. Đồng thời, đề nghị bổ sung điều mới xử lý các dự án “treo” theo hình thức xử phạt hành chính và bổ sung điều mới về việc chịu mức thuế cao khi bỏ hoang đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất dự án.
Luật gia Nguyễn Xuân Hà nêu một số điều luật mâu thuẫn, chưa khoa học. Ví dụ, Điều 225 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất thuộc tòa án, nhưng điểm đ khoản 2 Điều 20 lại nêu UBMTTQ Việt Nam các cấp tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai. Ngoài ra, quy định tại khoản 1 Điều 224: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án” cũng chưa hợp lý, mâu thuẫn với khoản 3 điều này. Bởi hòa giải tại tòa án gồm hòa giải theo pháp luật tố tụng dân sự và hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong đó, hòa giải theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là bắt buộc, không phải là khuyến khích. Khoản 2 Điều 5 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày luật này có hiệu lực thi hành…”. Còn theo Tiến sĩ Lê Xuân Thân, nội dung này quy định bằng điều khoản chuyển tiếp sẽ chuyên nghiệp hơn…
NGUYỄN VŨ (Ghi)