Ông Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.
Ông Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.
- Xin ông đánh giá kết quả một số hoạt động nổi bật của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thời gian qua?
- Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy, sự phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Mặt trận đã tổ chức 1.723 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ; 246 hội nghị tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; trao hơn 22.700 phần quà cho các già làng, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn...
Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ năm 2019 đến nay, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã xây dựng 130 mô hình điểm về khu dân cư tự quản, thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 4,4 tỷ đồng, hiến hơn 110.000m2 đất và vật tư các loại để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, kênh mương phục vụ tưới tiêu…; 132 mô hình hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi, giúp nhau đổi ngày công lao động, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình...
Hàng năm, thông qua các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”..., Mặt trận đã kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo. Từ năm 2019 đến nay, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận gần 84,5 tỷ đồng. Từ số tiền đó, đã hỗ trợ xây mới 628 nhà (50 triệu đồng/nhà) với tổng kinh phí hơn 23,7 tỷ đồng; sửa chữa 201 nhà, kinh phí hơn 3 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 5.700 học sinh nghèo hiếu học, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất... với tổng trị giá hơn 34 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp nhận ủng hộ 21,8 tỷ đồng của các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ hơn 62.500 phần quà cho người dân gặp khó khăn, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên đã tích cực hưởng ứng, triển khai hiệu quả các hoạt động chung tay hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kết quả vận động, tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch toàn tỉnh đạt hơn 102,9 tỷ đồng và nhiều máy móc, trang thiết bị y tế có giá trị phục vụ công tác phòng, chống và điều trị Covid-19...
Ngoài ra, Mặt trận các cấp đã thực hiện hơn 517 cuộc giám sát độc lập, tập trung vào những điểm nóng, lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm; chủ trì tổ chức 120 hội nghị phản biện, góp ý 820 dự thảo các dự án luật, chương trình, đề án và các văn bản liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chủ trì tổ chức 18 hội nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư đối với các dự án đầu tư công, như: Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 các đoạn còn lại chưa đầu tư trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền tổ chức hơn 770 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, thu hút hơn 12.260 lượt người dân tham dự.
- Thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xin đồng chí cho biết kết quả về hoạt động này?
- Những năm qua, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết các chương trình phối hợp đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, tôn tạo cảnh quan, giữ vệ sinh môi trường biển. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai hơn 50 mô hình tự quản bảo vệ môi trường tại các khu dân cư trên toàn tỉnh, lồng ghép với phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tại các khu dân cư làm điểm, Ban công tác Mặt trận phối hợp với thôn, tổ dân phố, chi đoàn, chi hội tổ chức cho các hộ dân ký cam kết đảm bảo giữ sạch cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh, phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi bộ mặt đường làng, thôn xóm. Điển hình như các mô hình: “Xóm đạo chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp”, “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Mỗi hố rác 1 cây xanh”… Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ có những phong trào như: “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”; “Ngôi nhà xanh”; “Thùng rác môi trường” đặt tại các chợ truyền thống... Các cơ sở đoàn cũng xây dựng nhiều mô hình, cụ thể như: “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chiến dịch bảo vệ môi trường biển”...
Mặt trận các cấp đã tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tham gia phản biện các cơ chế, chính sách, dự thảo những đề án phát triển kinh tế - xã hội có nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Những kiến nghị sau giám sát và phản biện của MTTQ được các cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý kịp thời, góp phần hạn chế hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, xâm hại tài nguyên thiên nhiên, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường...
- Nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển tỉnh, thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm gì nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, thưa đồng chí?
- Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, tôn giáo về tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm; phát huy truyền thống tương thân tương ái, vận động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, hoạn nạn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Ngoài ra, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tập trung tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi triển khai các dự án nhằm góp phần tăng tính khả thi của dự án và tạo sự đồng thuận trong nhân dân để việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh được hiệu quả, thuận lợi. Mặt khác, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giới thiệu cho bạn bè quốc tế, kiều bào những nét đẹp về đất và người Khánh Hòa; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình của đất nước, của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng tư vấn, ban tư vấn, đội ngũ chuyên gia, Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ…
- Xin cảm ơn ông!
Cẩm Vân (Thực hiện)