09:11, 20/11/2022

Nhà lãnh đạo xuất sắc, suốt đời vì nước, vì dân

Trong suốt cuộc đời, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho đất nước. Đồng chí là nhà lãnh đạo xuất sắc, người cộng sản kiên trung, suốt đời vì nước, vì dân; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí mãi là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam yêu quý, kính trọng, học tập, noi theo.

Trong suốt cuộc đời, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho đất nước. Đồng chí là nhà lãnh đạo xuất sắc, người cộng sản kiên trung, suốt đời vì nước, vì dân; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí mãi là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam yêu quý, kính trọng, học tập, noi theo.

 

<p style="text-align: justify;">Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.</p>

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.


Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, giác ngộ cách mạng. Năm 1938, khi mới 16 tuổi, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 11-1939. Đồng chí tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí được điều động về hoạt động tại vùng U Minh thuộc tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Từ năm 1941 đến 1945, trên cương vị Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, đồng chí đã tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.


Sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh Tây Nam Bộ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, tham gia lãnh đạo nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ: Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau... tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.


Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí được phân công bí mật ở lại miền Nam, hoạt động tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, vùng cực Nam của Tổ quốc. Năm 1955, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây, sát cánh bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam. Năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định (T.4) làm Bí thư Khu ủy.


Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1969, rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Tây Nam Bộ), Bí thư Quân khu ủy Quân khu 9 đến năm 1973. Năm 1972, đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1973 đến 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều về công tác ở Trung ương Cục, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Ủy viên Ban cán sự Đảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bí thư Ủy ban Quân quản thành phố.


Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, được phân công làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; tháng 4-1982, được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.


Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu lại làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (tháng 8-1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX (tháng 10-1992), đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh cho đến năm 1997.


Tháng 6-1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Từ tháng 12-1997  đến tháng 4-2001, do tuổi cao, đồng chí xin rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX. Đồng chí từ trần vào ngày 11-6-2008, hưởng thọ 86 tuổi.


Với tính cách nổi bật là sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới, đồng chí đã có nhiều đóng góp về lý luận và thực tiễn để xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Đồng chí có những quyết định táo bạo và là người chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quan trọng để lại “dấu ấn Võ Văn Kiệt”, như: Thủy điện Trị An, công trình đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; qua đó thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc.


Trong quá trình chiến đấu và lao động, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, tín nhiệm. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Đồng chí Võ Văn Kiệt với 86 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết; là một người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu mãi mãi ở trong lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế.


T.K
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)