Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đây là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất trong sự phát triển hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.
Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đây là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất trong sự phát triển hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những bài học của Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là bài học về xây dựng Đảng, xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp; về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ; xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung; về kết hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; về khởi nghĩa từng phần đi đến tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành thắng lợi hoàn toàn cho một cuộc cách mạng.
Trong bối cảnh hiện nay, những bài học của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.
Bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Để cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã hy sinh xương máu. Còn trong sự nghiệp đổi mới hiện nay cần đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, luôn luôn gương mẫu về mọi mặt. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đã phân tích, đề ra một số vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; trong đó quan trọng và xuyên suốt nhất là các nội dung, giải pháp nhằm nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Bài học nắm bắt thời cơ: Cách mạng Tháng Tám đã chỉ ra rằng: Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ, thúc đẩy thời cơ và khi thời cơ đến thì phải chớp lấy thời cơ, không được bỏ lỡ. Việc xác định chính xác thời cơ, thúc đẩy và chớp thời cơ không chỉ là khoa học, mà còn là nghệ thuật cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 là minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu khách quan. Nước ta đang có môi trường trong nước ổn định về chính trị - an ninh, kinh tế; trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước lớn đều coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển dịch địa bàn đầu tư và quy mô đầu tư, đã và đang chọn điểm đến là Việt Nam. Nước ta có thể nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy phát triển đất nước trên tinh thần chuẩn bị các điều kiện cần thiết và hấp dẫn để “lót ổ đón đại bàng” như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi nói về chủ động để nắm bắt thời cơ. Bài học về nắm bắt và vận dụng thời cơ của Cách mạng Tháng Tám vẫn là bài học lớn của Đảng, của đất nước trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay và mai sau.
Bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cả dân tộc Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, già trẻ, dân tộc, tôn giáo, triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Bài học của thành công chính là ở chỗ Đảng ta tạo được niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; cán bộ, đảng viên đều tạo được niềm tin về sự hy sinh, đạo đức trong sáng của mình đối với quần chúng.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, để tạo động lực và bảo đảm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, trước hết, nước ta phải tiếp tục đẩy mạnh đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế; thực hành dân chủ rộng rãi gắn với tăng cường kỷ cương; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Đạo
(Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa)