Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 31-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tham gia thảo luận tại tổ 11 cùng Đoàn ĐBQH 2 tỉnh Nghệ An, Bắc Giang.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 31-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa tham gia thảo luận tại tổ 11 cùng Đoàn ĐBQH 2 tỉnh Nghệ An, Bắc Giang.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, Đoàn ĐBQH tỉnh có 5 đại biểu tham gia ý kiến. Cụ thể, đối với Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ, tránh quy định lại các nội dung đã được quy định tại các luật đã có hiệu lực; cần phân biệt giữa quản lý nhà nước ở cơ sở và dân chủ cơ sở; nghiên cứu, làm rõ phạm vi, nội dung lấy ý kiến của nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng và liên quan đến lợi ích Nhà nước; thay tên gọi Ban Thanh tra nhân dân bằng Ban Giám sát thực hiện dân chủ. Cho ý kiến vào Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ĐBQH tỉnh thống nhất với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh của dự án luật, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung các vấn đề như: Quy định hành vi bạo hành (cả thể xác và tinh thần) của cha mẹ đối với con cái và ngược lại; cần quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của công an cấp xã trong việc tiếp nhận và xử lý tin báo bạo lực gia đình để đảm bảo kịp thời, hiệu quả; cần quan tâm hơn nữa đến các đối tượng bị bạo hành gia đình là phụ nữ mang thai, trẻ em. Các ý kiến thảo luận ở tổ sẽ được tổng hợp và gửi đến cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.
TRÍ NGHĨA