12:03, 29/03/2022

Nha Trang phát triển vượt bậc với tầm vóc, diện mạo mới

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố, Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố, Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang.


- Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của Nha Trang sau hơn 4 thập kỷ được nâng cấp lên thành phố?

 

Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang
Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang


- Ngày 30-3-1977, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 391 về việc nâng thị xã Nha Trang lên thành TP. Nha Trang với việc sáp nhập thêm 7 xã của huyện Vĩnh Xương (cũ). Thời điểm ấy, bộ mặt đô thị, cơ sở vật chất hạ tầng, đời sống người dân Nha Trang vẫn còn vô vàn khó khăn. Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trì phấn đấu, đưa thành phố phát triển ngày càng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Từ thị xã, Nha Trang đã vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh cũng như của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Với những thành quả đạt được của thành phố, ngày 22-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 518/QĐ-TTg công nhận Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Từ đó đến nay, tỉnh và thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường; tiếp tục xây dựng các khu đô thị đa chức năng, đầu tư nguồn lực để phát triển dịch vụ, du lịch chất lượng cao, phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, tài nguyên và các di sản văn hóa; triển khai các chương trình, dự án trọng điểm để thành phố phát triển nhanh, bền vững.

 

Một góc Quảng trường 2-4 Nha Trang. Ảnh: MẠNH HÙNG

Một góc Quảng trường 2-4 Nha Trang. Ảnh: MẠNH HÙNG


Có thể thấy rõ những đổi thay của Nha Trang qua sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng không gian đô thị, cũng như sự đổi mới ở khu vực nông thôn. Thời điểm mới giải phóng, Nha Trang chỉ có vài tuyến phố chính thì nay đã có hệ thống giao thông rộng khắp. Cầu Bình Tân và Đại lộ Nguyễn Tất Thành, cầu Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng đã mở 2 cửa ngõ phía bắc, nam thành phố; đường Võ Nguyên Giáp tạo ra trục giao thông kết nối Nha Trang với huyện Diên Khánh đã góp phần khơi dậy tiềm năng của khu vực tây Nha Trang. Thành phố hiện có 108 dự án nhà ở, khu đô thị mới và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư. Một số dự án khu đô thị hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chuyển sang khai thác kinh doanh đã góp phần mở rộng không gian đô thị, thay đổi diện mạo thành phố; tạo động lực mạnh mẽ để kinh tế, xã hội thành phố phát triển.


Việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2015 - 2020, thành phố đã đầu tư và đưa vào sử dụng 454 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 1.002 tỷ đồng. Diện mạo các xã vùng nông thôn đã thay đổi nhanh theo hướng hiện đại, văn minh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khang trang, nhất là hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, trường học, trạm y tế, địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng… Với 7/7 xã được công nhận nông thôn mới (trong đó Vĩnh Phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), Nha Trang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đang chờ Trung ương thẩm định và ban hành quyết định.


Trong những năm qua, kinh tế của thành phố có sự phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng du lịch, thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Thành phố có hơn 800 cơ sở lưu trú với sức chứa hơn 36.000 phòng, trong đó có hơn 100 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Bên cạnh đó, Nha Trang còn có những khu du lịch lớn như: Vinpearl Land, Hòn Tằm, Diamond Bay… Thời điểm trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019), thành phố đón 6,5 triệu lượt khách du lịch/năm; doanh thu du lịch gần 24.259 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 16,16%/năm. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông - ngư nghiệp cũng có sự phát triển đáng khích lệ. Trước dịch Covid-19, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.442 tỷ đồng.

 

Nha Trang đã trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Khoa Trần

Nha Trang đã trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Khoa Trần


Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục luôn được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một cải thiện, nâng cao; các chính sách về an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được tăng cường. Thành phố có 135 trường học với 2.561 lớp với 82.974 học sinh các cấp học từ mầm non đến THCS. Hệ thống trường lớp của thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh ở các cấp học. Đặc biệt, Nha Trang còn là nơi đóng chân của nhiều trường đại học và học viện góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được đẩy mạnh. Hàng năm, tỷ lệ bình quân gia đình văn hóa đạt 92,7%; thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 89%; cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 95%. Thành phố duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế…


Nhìn lại chặng đường 45 năm, mặc dù có những giai đoạn khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, dịch bệnh trong nước và trên thế giới, song môi trường đầu tư phát triển tại Nha Trang vẫn khá sôi động. Thành phố đã và đang tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, ổn định và phát triển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch, công nghiệp, nông nghiệp. Mục tiêu hướng đến của Nha Trang là “Trung tâm du lịch biển quốc tế” và trở thành thành phố tổ chức các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và quốc tế; là trung tâm giáo dục - đào tạo, du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như tầm nhìn và mục tiêu của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã xác định.


- 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết, Nha Trang sẽ thực hiện những giải pháp gì để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố?


- Nha Trang là thành phố du lịch, trong đó dịch vụ - du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua đã khiến kinh tế - xã hội của thành phố gặp nhiều khó khăn. Vào thời điểm dịch bùng phát giữa năm 2021, hoạt động du lịch gần như “đóng băng” kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành nghề khác. Cuối năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nha Trang nhanh chóng thực hiện các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh… Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố đã có sự khởi sắc trở lại. Cụ thể, trong quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước được 6.267 tỷ đồng, tăng 10,55%; doanh thu du lịch hơn 1.131 tỷ đồng, tăng 55,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước được gần 9.163 tỷ đồng, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách ước thực hiện hơn 907,5 tỷ đồng, đạt 35% dự toán năm 2022.


Dù đã có những tín hiệu khả quan, song kết quả sản xuất, kinh doanh vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với thời điểm trước dịch Covid-19. Thời gian tới, Nha Trang sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, nhanh chóng hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động. Đồng thời, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quyết toán công trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án trọng điểm.


Về du lịch, thành phố sẽ phối hợp với Sở Du lịch cùng các sở, ngành liên quan triển khai những giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng người dân tham gia kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, thành phố tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách, nhất là những sản phẩm du lịch giải trí về đêm. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Nha Trang…


- Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương. Với vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, Nha Trang sẽ làm gì để góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu này, thưa ông?


- Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng với tỉnh Khánh Hòa nói chung và TP. Nha Trang nói riêng. Nha Trang luôn xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cùng với toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết 09 bởi Nha Trang được xác định là trung tâm kinh tế - chính trị,  văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của tỉnh, là đô thị hạt nhân, là 1 trong 3 vùng động lực của tỉnh.


Với tầm quan trọng như vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Nha Trang sẽ tập trung thực hiện một số nội dung sau:


Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của Nghị quyết số 09, về vai trò, vị trí đặc biệt và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Từ đó, xây dựng ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khát vọng xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa giàu đẹp, văn minh, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực và cả nước, đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.


Thứ hai, tập trung công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp đứng yêu cầu trong giai đoạn mới.


Thứ ba, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng thành phố xứng đáng là đô thị hạt nhân và là 1 trong 3 vùng động lực của tỉnh, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của tỉnh. Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh như dịch vụ, du lịch, tiếp tục xây dựng Nha Trang thành thương hiệu du lịch nổi tiếng, điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, cơ cấu khách du lịch. Đồng thời, thành phố tập trung phát triển kinh tế số, phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, hình thành trung tâm công nghệ phần mềm, trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo…


Thứ tư, thực hiện có hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch, trong đó khẩn trương phối hợp để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, triển khai phủ kín quy hoạch phân khu; thực hiện tốt quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị, xứng tầm là đô thị du lịch hàng đầu của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.


Thứ năm, tập trung đầu tư hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, chỉnh trang đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng Nha Trang thành đô thị thông minh.


Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ nhân dân, xây dựng chính quyền số đáp ứng yêu cầu thành phố trong tình hình mới.


- Xin cảm ơn ông!


XUÂN THÀNH (Thực hiện)

 


 

Tư liệu: 45 năm Nha Trang nâng lên thành phố (30-3-1977 - 30-3-2022)
 
Ngày 2-4-1975, Nha Trang, Khánh Hòa được giải phóng.
 
Ngày 6-4-1975, Ủy ban Quân quản Khánh Hòa chia Nha Trang thành ba đơn vị hành chính: Quận 1, quận 2 (thuộc nội thành) và quận Vĩnh Xương (các xã ngoại thành).
 
Đến tháng 9-1975, hợp nhất quận 1 và 2, thành lập thị xã Nha Trang trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Còn 7 xã của quận Vĩnh Xương (Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Lương) nhập vào huyện Diên Khánh thành huyện Khánh Xương. Huyện Vĩnh Xương còn có xã Vĩnh Ích, nhập vào huyện Ninh Hòa, đặt tên lại là xã Ninh Ích.
 
Ngày 30-3-1977, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố và là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Khánh (sáp nhập tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). TP. Nha Trang có 7 xã của quận Vĩnh Xương trước đây nhập vào huyện Diên Khánh, trở thành 7 xã ngoại thành của TP. Nha Trang mới thành lập. Như vậy, từ giai đoạn này tên gọi Vĩnh Xương và Khánh Xương không còn nữa.
 
Ngày 27-3-1978, thành lập xã Phước Đồng.
 
SAU KHI CHIA TÁCH TỈNH PHÚ KHÁNH
 
Từ ngày 1-7-1989, TP. Nha Trang trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa.
 
Ngày 22-4-1999, TP. Nha Trang được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
 
Tháng 11-1998, thành lập phường Phước Long.
 
Tháng 4-2002, thành lập phường Vĩnh Hòa.
 
Ngày 22-4-2009, TP. Nha Trang được công nhận là đô thị loại I thuộc tỉnh.

 

TP. Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: Khoa Trần
TP. Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: Khoa Trần