Sáng 15-12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề: Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sáng 15-12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề: Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại điểm cầu Khánh Hòa, lãnh đạo một số sở, ngành tham dự.
Theo báo cáo, hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ; quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Ngành Ngoại giao đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước chủ trương tham gia nhiều liên kết kinh tế quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy đàm phán và đến nay đã ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; đẩy mạnh xúc tiến, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, du lịch...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong 2 năm 2022 và 2023, ngành Ngoại giao cần dự báo chính xác tình hình để định hình công tác đối ngoại phù hợp với những cải cách chiến lược của các nước trong khu vực và trên thế giới; có cách tiếp cận toàn cầu và sự đoàn kết quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tình hình dịch Covid-19, thể hiện được vai trò của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong vấn đề này; cần có cách tiếp cận phù hợp các vấn đề mang tính toàn cầu như: biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0, già hóa dân số… để có đường lối đối ngoại phù hợp, phục vụ cho lợi ích, mục tiêu của đất nước…
N.T