11:10, 17/10/2021

Cam Ranh nhớ mãi ơn Người

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh hội kiến với Cao ủy Pháp D'Argenlieu có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong giai đoạn 1945 - 1946. Đây là lần duy nhất Người trở lại miền Nam kể từ khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. 

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong giai đoạn 1945 - 1946. Đây là lần duy nhất Người trở lại miền Nam kể từ khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. 75 năm đã qua, Đảng bộ và nhân dân TP. Cam Ranh luôn tự hào về sự kiện ấy và luôn ra sức xây dựng để Cam Ranh thành một vùng đất giàu đẹp theo mong ước của Bác.


Bác Hồ ở Cam Ranh năm ấy


Một ngày tháng 10, chúng tôi về Cam Ranh. Giữa trời xanh, mây trắng, Công viên 18-10 như xanh hơn, đẹp hơn trong ánh nắng vàng cuối thu. Tượng đài Bác Hồ nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Hình tượng Bác đứng trên mũi tàu với gương mặt suy tư, tay nắm chặt thể hiện quyết tâm giữ nền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Chúng tôi nhớ lại những trang hồi ký của Giáo sư - bác sĩ Trần Hữu Tước ghi lại sự kiện lịch sử Bác Hồ hội kiến với D’Argenlieu trên chiến hạm Suffren ở vịnh Cam Ranh ngày 18-10-1946: “Trước mắt là núi non, biển cả. Quê hương bao la, hùng vĩ, phần phật gió Trường Sơn đã nổi, như cả dân tộc đang đứng lên, quật cường trong trận chiến cuối cùng… Bác mảnh khảnh trong bộ quần áo bạc màu, tóc phong sương bao năm đang bay trong gió, đôi mắt sáng rực niềm tin tưởng và quyết tâm. Người đứng như pho tượng trước mặt xuồng, để chèo chống trong cơn sóng gió chưa từng có của đất nước”.

 

Ông Nguyễn Trọng Vinh trò chuyện về sự kiện Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh.

Ông Nguyễn Trọng Vinh trò chuyện về sự kiện Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh.


 Theo hồi ký của Giáo sư Trần Hữu Tước, ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời tàu Dumont Durville bằng một chiếc xuồng nhỏ để đến tuần dương hạm Suffren. Giữa muôn trùng hiểm nguy, Người chỉ dẫn theo duy nhất một người là bác sĩ Tước. Cao ủy Pháp ở Đông Dương đã tiếp đón Bác rất trọng thể, vừa đúng nghi thức cũng là diễu võ dương oai. Cờ xí rợp trời trên khắp chiến hạm, tất cả các đại bác, thần công, cao xạ, phóng lôi… đều giương cao nòng tua tủa. 2.500 thủy quân đồng phục trắng tinh, đứng nghiêm như những pho tượng đá, xếp trên bảy tầng tàu đồng thanh hô lên Houra (Hoan hô) bảy lần. Những nghi lễ rầm rộ uy nghi đó lại càng tôn thêm sự giản dị, phong thái ung dung của Bác với chiếc mũ cứng, cây gậy hàng ngày, cùng người tùy tùng thầy thuốc “như thể đi thăm người quen trong làng ngoài xóm, thế thôi”.


Cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao ủy Pháp D’Argenlieu chỉ kéo dài khoảng 2 giờ. Người đã kiên quyết bác bỏ yêu cầu của D’Argenlieu đòi quân đội Việt Nam ở miền Nam phải rút về miền Bắc. Bữa tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm trở thành một cuộc đấu trí tài tình giữa người lãnh tụ của dân tộc Việt Nam với tên thực dân cáo già. Trong bữa tiệc, Bác ngồi đối diện với D’Argenlieu. Hai bên Bác là tướng Tổng chỉ huy Lục quân Đông Dương và một Đô đốc Hải quân Pháp ở Thái Bình Dương. Và D’Argenlieu cợt nhả: “Kìa, thế là Chủ tịch được đóng khung giữa Lục quân và Hải quân rồi đấy”. Nhẹ nhàng cười, Bác đáp ngay: “Đặc Cao ủy biết đấy, chính bức họa mới làm cho cái khung có giá trị”. Khắp bàn tiệc đều tán thưởng câu trả lời rất chí lý, chơi chữ Pháp tài tình của Bác. Cũng trong bữa tiệc hôm ấy, D’Argenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Bác đã đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”!.


Có một chi tiết mà Giáo sư Trần Hữu Tước nhớ mãi. Khi bắt tay từ biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng ôm hôn Cao ủy Pháp D’Argenlieu, ông ta lúng túng bị bất ngờ, mấy giây sau ông ta ôm lại. Các phóng viên báo chí Pháp chứng kiến cũng hết sức ngạc nhiên, họ chen nhau chụp ảnh liên tục. Có nhà nghiên cứu bình luận đó là “nụ hôn hòa bình với chiến tranh” bởi sau đó 2 tháng, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với những ngôn từ đanh thép: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.


Khát vọng dựng xây vùng đất ngọt lành


Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Vinh - nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Ranh ngày trước kể rằng: Từ thập niên 80, Huyện ủy Cam Ranh đã đặt vấn đề xây dựng tượng đài Bác Hồ để tưởng nhớ công ơn của Người, cũng như ghi lại sự kiện lịch sử Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh. Năm 2006, UBND tỉnh đồng ý cho thị xã Cam Ranh (nay là TP. Cam Ranh) xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Công viên 18-10, đến ngày 19-12-2008 công trình đã hoàn thành. “Ngày khánh thành tượng đài, người dân Cam Ranh rất vui mừng, người đến tham quan rất đông. Từ đó đến nay, Tượng đài Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh đã trở thành nơi cán bộ, đảng viên, nhân dân Cam Ranh - Khánh Hòa bày tỏ tấm lòng kính yêu của mình đối với Bác. Đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đảng bộ và nhân dân Cam Ranh đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Vinh tự hào chia sẻ.

 

Tượng đài Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh (Công viên 18-10, TP. Cam Ranh).

Tượng đài Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh (Công viên 18-10, TP. Cam Ranh).


75 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh. Vùng đất “ngọt lành” ấy (tên gọi Cam Ranh được cho xuất phát từ Cam Linh - dòng nước ngọt) ngày càng thay da đổi thịt. Trong ký ức của ông Vinh, Cam Ranh thời sau giải phóng miền Nam năm 1975 vẫn còn khó khăn lắm. Ngoại trừ trung tâm Ba Ngòi, khu phố Đá Bạc và các vùng phụ cận có nhà cửa chắc chắn, còn lại cả vùng rộng lớn nhà cửa vách đất lợp tranh, lợp tôn rất tạm bợ. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản bằng chài lưới. Rẫy xoài, vườn dừa chạy dài đến sát mép biển…

 

Theo thời gian, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Bây giờ, khu vực trung tâm thành phố như: Cam Linh, Cam Lộc, Cam Phú…, hai bên đường nhà cửa, siêu thị, hàng quán buôn bán sầm uất. Ở phía bắc thành phố, phường Cam Nghĩa từ vùng đất hoang sơ nay có nhiều đổi thay. Sau 10 năm lên thành phố, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh ở Cam Ranh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của thành phố tăng bình quân 8,6%/năm; thu ngân sách tăng 18%/năm.

 

Cảng Cam Ranh đã trở thành cửa ngõ giao thương bằng đường biển lớn nhất của tỉnh.

Cảng Cam Ranh đã trở thành cửa ngõ giao thương bằng đường biển lớn nhất của tỉnh.

 

Sau khi hội nghị Fontainebleau kết thúc nhưng không đạt được kết quả mong đợi, ngày 13-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký kết với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946. Cao ủy Pháp ở Đông Dương là Georges Thierry D’Argenlieu đã gửi điện mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Cam Ranh để bàn việc thi hành Tạm ước nhưng ý đồ là tiếp tục thực hiện mưu toan của mình ở Đông Dương. Ngày 19-9-1946, từ cảng Toulon của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn Việt Nam lên tàu Dumont Durville để về nước. Ngày 18-10-1946, khi đến vịnh Cam Ranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời tàu lên tuần dương hạm Suffren để hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu như một nỗ lực cuối cùng để tìm kiếm hòa bình cho nền độc lập non trẻ của Việt Nam.

Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,1%; thương mại - dịch vụ chiếm 29,4%; nông nghiệp chiếm 17,5%. Trên địa bàn thành phố có hàng loạt dự án lớn đang được triển khai như: Dự án KN Paradise Cam Ranh với diện tích 800ha đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng; dự án Cảng cá động lực, thuộc Trung tâm Nghề cá lớn Khánh Hòa có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng giúp ngư dân khai thác tối đa nguồn lợi hải sản tại các ngư trường với lượng hàng qua cảng khoảng 120.000 tấn/năm. Hiện nay, Công ty Cổ phần Vinpearl triển khai dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh. UBND TP. Cam Ranh cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các dự án: Khu dân cư chất lượng cao Cam Phú, Khu dân cư Phạm Văn Đồng và Bãi tắm số 4… Với lợi thế về đầu mối giao thương như: Sân bay quốc tế Cam Ranh, Cảng Cam Ranh, TP. Cam Ranh được kỳ vọng là đô thị hạt nhân, động lực quan trọng ở khu vực phía nam của tỉnh, có vai trò tích cực đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.


Ông Lương Đức Hải - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Thời gian tới, Cam Ranh sẽ phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tổ chức kết nối giữa đô thị cũ và đô thị mới để mở rộng không gian thành phố, từng bước xây dựng đô thị khang trang, hiện đại. Thành phố cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành quan tâm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và các cụm công nghiệp. Khi Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh và Cụm Công nghiệp Cam Thịnh Đông đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển ngành thương mại, dịch vụ”.


XUÂN THÀNH - VĂN KỲ