09:10, 21/10/2021

Bản hùng ca bất diệt

Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng tự hào; hiện thân của ý chí, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự đã trở thành một huyền thoại, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
 

. Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng - Chính ủy Học viện Hải quân

 

 
 
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng tự hào; hiện thân của ý chí, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự đã trở thành một huyền thoại, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
 
Bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
 
Với những thành tích đặc biệt tiêu biểu xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước, lực lượng trực tiếp tham gia vận chuyển đường biển chi viện cho miền Nam ruột thịt đã vinh dự có 7 lượt tập thể và 10 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Đoàn 125 được tuyên dương 2 lần.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đế quốc Mỹ ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, dựng lên chính quyền tay sai bù nhìn hiếu chiến, đàn áp đẫm máu đồng bào miền Nam, gây biết bao đau thương, tang tóc, khiến cho nhân dân ta sôi sục căm hờn. Với tình hình đó, tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) đã thông qua Nghị quyết về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà. Nghị quyết xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân... cần phải có một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ, phải tích cực xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, thì mới có thể có điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi cuối cùng...”. 
 
Thực hiện chủ trương của Đảng và Quân ủy Trung ương, cùng với việc thành lập Đoàn 559 (ngày 19-5-1959) mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho quân và dân miền Nam chống giặc; sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, nhất là từ kinh nghiệm của 5 chuyến thuyền từ các tỉnh miền Nam vượt biển ra Bắc, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 (nay là Lữ đoàn 125) - đơn vị tiền thân của lực lượng vận tải quân sự trên biển, chính thức mở con đường biển chiến lược quan trọng, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.
 
Không sợ gian khổ, hy sinh để xây dựng con đường huyền thoại
 
Sau sự kiện Tàu 143 bị lộ tại Vũng Rô vào tháng 2-1965, phát hiện ra tuyến vận tải bằng đường biển chi viện cho tiền tuyến của ta, địch ráo riết mở Chiến dịch “Chống xâm nhập”, tăng cường lực lượng kiểm soát, phong tỏa dày đặc trên biển, trên không và bờ biển miền Nam... Trong giai đoạn đó, mỗi chuyến đi của lực lượng vận tải quân sự trên biển là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, đối chọi với mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên; ra đi là xác định cảm tử với con tàu và chuyến hàng, lực lượng của ta phải đối mặt với sóng gió, bão giông. Những tấm gương anh dũng của cán bộ, thủy thủ các tàu C235, C645 gắn liền với tên tuổi của những Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, đặc biệt là tấm gương của 18 thủy thủ tàu C165. Khi bị địch phát hiện, bao vây, quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc, các anh đã cho tàu lao thẳng vào tàu địch để điểm hỏa, biến con tàu thân yêu thành khối lửa khổng lồ nhấn chìm tàu giặc để rồi thanh thản cùng con tàu hòa vào với biển khơi, vì bí mật của con đường, bí mật của các bến bãi, xây nên những tượng đài anh hùng bất tử.

 

14 cán bộ, chiến sĩ tàu 43 chụp ảnh kỷ niệm sau khi trở ra Bắc năm 1968  sau trận chiến hủy tàu Đức Phổ, Quảng Ngãi.
14 cán bộ, chiến sĩ tàu 43 chụp ảnh kỷ niệm sau khi trở ra Bắc năm 1968 sau trận chiến hủy tàu Đức Phổ, Quảng Ngãi.
 
Bằng ý chí, lòng dũng cảm và sức sáng tạo phi thường; bằng bao công sức, mồ hôi và xương máu của mình, cán bộ, thủy thủ đoàn tàu “Không số” và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các bến bãi đầu cầu của tuyến vận tải đã không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, quyết tâm xây dựng lên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” huyền thoại, làm nên truyền thống vẻ vang của lực lượng vận tải quân sự trên biển.
 
Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ
 
Giá trị to lớn và những thành tích, chiến công của đường Hồ Chí Minh trên biển là minh chứng hùng hồn về tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi quyết định mở tuyến vận tải chiến lược, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã chỉ đạo chặt chẽ từ việc khảo sát, trinh sát nắm tình hình, táo bạo, dũng cảm tổ chức lực lượng đi thử nghiệm xác định tuyến và phương thức, phương tiện vận chuyển. Khi được tin tuyến đường biển đã khai thông, những tấn vũ khí đầu tiên đã đến với chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương, khen ngợi; đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “... hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”.

 

Đoàn công tác của Học viện Hải quân dâng hương tưởng niệm  các anh hùng liệt sĩ Tàu C235
Đoàn công tác của Học viện Hải quân dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Tàu C235
 
Quyết định mở tuyến đường biển vận tải chi viện tiền tuyến là mạch nguồn kế tiếp từ kinh nghiệm truyền thống trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đồng thời, đã thể hiện sự sáng tạo mẫu mực về nghệ thuật quân sự trong giai đoạn lịch sử cam go, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kịp thời vận chuyển đến với bộ đội, đến với những nơi đang khát vũ khí, trang bị, tạo được tính bất ngờ lớn, có ý nghĩa quyết định trong những thời điểm quan trọng làm thay đổi thế và lực của ta trên chiến trường, thay đổi cục diện trong từng giai đoạn của cuộc chiến.
 
Tròn 60 năm đã qua, chúng ta mãi mãi tự hào về đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường đã đồng hành với đường mòn xuyên dãy Trường Sơn, trở thành “huyết mạch” hết sức trọng yếu chi viện cho miền Nam ruột thịt để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Hai con đường chiến lược trên bộ và trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mãi mãi là dấu ấn sâu đậm trong trang lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta.
 
C.N.S