Ngày 26-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn gửi các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan về việc tập trung ứng phó bão Molave (bão số 9) và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Ngày 26-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn gửi các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan về việc tập trung ứng phó bão Molave (bão số 9) và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Bão số 9 sáng 26-10 đã đi vào biển Đông. Là cơn bão mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 14. Dự báo đến sáng 27-10, bão số 9 sẽ ở ngay trên vùng biển các địa phương từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Do ảnh hưởng của bão, cơ quan chuyên môn nhận định trên địa bàn Khánh Hòa sẽ xảy ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh yêu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kịp thời thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh. Tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu tránh trú; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo và lồng bẻ thủy hải sản ven biển. trên đất liền, tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, các trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Rà soát các khu vực cầu, ngầm, tràn... thưởng xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có thiên tai xảy ra. Các Chủ đầu tư đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh yêu cầu các đơn vị thi công có phương án phòng chống thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động và các hạng mục công trình đang thi công; thực hiện tháo dỡ các hạng mục thi công công trình gây ách tắc dòng chảy; rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực thi công, hố móng công trình... (đặc biệt là các công trình thuộc các khu vực người dân thường xuyên đi lại) nhằm đảm bảo, an toàn tính mạng và tải sản của người dân. Rà soát lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, các trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ. Bố trí bộ phận trực ban 24/24h để theo dõi tỉnh hình bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; thường xuyên báo cáo kết quả triển khai ứng phó về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Các sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền Thông; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Các đơn vị quản lý hồ chứa nước… tùy chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai ngay các phương án ứng phó bão số 9.
H.Đ