Chiều 27-10, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa dẫn đầu đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Ông Lê Hữu Hoàng đã tới thị sát khu dân cư có nguy cơ sạt lở tại chân đèo Cả và khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn xã Đại Lãnh.
Chiều 27-10, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa dẫn đầu đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Ông Lê Hữu Hoàng đã tới thị sát khu dân cư có nguy cơ sạt lở tại chân đèo Cả và khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn xã Đại Lãnh. Báo cáo với Phó Chủ tịch, lãnh đạo xã Đại Lãnh cho biết, hiện địa phương đã kiên quyết di dời 27 hộ với 108 khẩu khu dân cư dưới chân đèo Cả về nơi tránh trú an toàn; đồng thời bố trí lực lượng bảo vệ tài sản cho bà con. Bên cạnh đó, hơn 240 tàu thuyền đã được di chuyển về nơi tránh trú tại vùng biển Đầm Môn, các cửa sông và Sông Cầu (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).
Ông Đàm Ngọc Quang - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, là địa phương được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 9 khi bão đổ bộ vào đất liền; do vậy những ngày qua, địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó tập trung công tác di dời người dân tại các khu vực xung yếu và lao động đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè vào nơi an toàn. Huyện đã chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải trực tiếp tiếp cận người dân nơi xung yếu, lao động trên các lồng bè để tuyên truyền, vận động, ký cam kết và cương quyết di dời vào nơi an toàn trước 18 giờ ngày 27-10. Với những hộ không chấp hành hoặc tìm cách quay trở lại lồng bè sẽ bị cưỡng chế đưa vào bờ. Cùng với đó, huyện đã thành lập các tổ công tác gồm có công an, dân quân, biên phòng trực bảo vệ, bảo đảm tài sản cho người dân khi di dời tới nơi an toàn. Đặc biệt nghiêm cấm và quản lý chặt chẽ tàu bè, nhất là tàu bè các tỉnh khác vào vùng biển lợi dụng thời cơ không có người dân trông coi để trộm cắp thủy sản của bà con.
Hiện trên địa bàn huyện Vạn Ninh có 1.337 phương tiện tàu thuyền, hơn 39.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, hơn 60 bè nuôi hàu; toàn huyện có khoảng 50 khu vực xung yếu với khoảng 1.400 hộ dân bị ảnh hưởng nếu mưa lớn gây sạt lở, lũ ống, lũ quét. Các địa phương, đã thông báo đến nhân dân diễn biến của bão số 9, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn, các phương tiện tàu thuyền không được ra khơi kể từ 18 giờ ngày 27-10; vận động người dân nằm trong các khu vực xung yếu sơ tán, di dời đến nơi an toàn, vận động hơn 2.000 lao động đang làm việc tại các lồng bè vào bờ trú bão, kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng bè. Bố trí lực lượng không cho người dân qua lại các cầu, ngầm, tràn, sông, suối khi có mưa lũ… Đến 18 giờ ngày 27-10, các địa phương, đơn vị của huyện Vạn Ninh đã hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9.
Qua kiểm tra, ông Lê Hữu Hoàng đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống bão của huyện Vạn Ninh. Đồng thời, ông yêu cầu huyện Vạn Ninh phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần cao nhất, không được lơ là chủ quan. Đặc biệt, Vạn Ninh với hàng ngàn lồng bè trên biển và hàng chục vị trí xung yếu, địa phương phải khẩn trương di dời toàn bộ người lao động vào bờ an toàn, các hộ dân tại những vị trí xung yếu cũng phải nhanh chóng di dời; bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân. Ngoài ra, các lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp cố tình không di dời theo yêu cầu của chính quyền địa phương; tập trung nhân lực, vật lực ứng phó sau bão…
VĂN GIANG – MẠNH HÙNG