Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy nơi tôi sống thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, tôi đã đầu tư nuôi cá mú. Trong quá trình nuôi, tôi được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 hỗ trợ về kỹ thuật, đồng thời là nơi cung cấp con giống chất lượng...
Nông dân Lê Minh Quyền (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang):
Mong Nhà nước mở rộng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản
Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy nơi tôi sống thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, tôi đã đầu tư nuôi cá mú. Trong quá trình nuôi, tôi được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 hỗ trợ về kỹ thuật, đồng thời là nơi cung cấp con giống chất lượng; chính quyền tạo điều kiện trong quá trình triển khai lồng bè, địa điểm nuôi; các cấp hội nông dân đồng hành bằng việc cho gia đình tôi vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tới 80 triệu đồng… Từ 12 ô lồng ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã có 76 ô lồng, mỗi năm nuôi được 10.000 con cá mú. Sau 18 tháng nuôi, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 500 đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm tôm hùm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Tôi nhận thấy, để nuôi biển đạt hiệu quả cao, cùng với nỗ lực, học hỏi của người dân, việc có được con giống đảm bảo, an toàn là điều kiện rất quan trọng. Cùng với đó, sự hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu, sự đồng hành, trợ giúp của các cấp chính quyền là yếu tố không thể thiếu. Trong thời gian đến, ngư dân chúng tôi mong muốn Nhà nước mở rộng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Vùng nuôi hiện nay ở Nha Trang quá chật chội, không đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng như phát triển hơn nữa, cần đẩy mạnh nghiên cứu để làm sao chủ động được con giống, bởi hiện nay, con giống tôm hùm chưa được ương nuôi nhân tạo, rất khó khăn khi phải phụ thuộc vào bên ngoài, thiếu bền vững. Đồng thời, nuôi trồng thủy sản cần có vốn đầu tư ban đầu lớn, tôi mong Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn.
Hồng Đăng (Ghi)
Ông Trần Nam Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Gorotrip (phường Phước Long, TP. Nha Trang):
Cần có giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều bước phát triển. Trong đó, ngành Du lịch phát triển theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao.
Dù đã có nhiều thành quả nhưng du lịch Khánh Hòa vẫn còn nhiều điều bất cập, cần phải điều chỉnh trong thời gian tới. Khánh Hòa có 3 vùng trọng điểm về du lịch là Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong nhưng cho đến nay, du lịch chủ yếu phát triển ở Nha Trang, gần đây mới phát triển ở bắc bán đảo Cam Ranh, còn khu vực phía bắc chưa có nhiều dự án. Bên cạnh đó, du lịch Khánh Hòa có quá nhiều dự án về lưu trú nhưng lại quá ít các dự án về văn hóa, vui chơi giải trí. Sự phát triển thiếu cân bằng này đã khiến du lịch của tỉnh giảm sức hút, mức chi tiêu của du khách chưa cao. Thực tế, lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa tăng nhanh nhưng tập trung chủ yếu vào thị trường khách Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc…, trong khi dòng khách Tây Âu và Bắc Mỹ (có mức chi tiêu cao) liên tục sút giảm. Sự phát triển của dòng khách giá rẻ đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, khiến văn hóa du lịch đi xuống, phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Vì thế, tôi mong muốn trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo tìm các giải pháp đưa du lịch Khánh Hòa phát triển mạnh về “chất”; trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa cần có cơ chế ưu đãi phù hợp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là các dự án về vui chơi giải trí. Trong việc đầu tư phát triển du lịch, tỉnh cần khuyến khích đầu tư vào khu vực phía bắc và phía nam của tỉnh để kéo giãn không gian du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa. Các dự án đầu tư về du lịch phải được giám sát chặt chẽ, tuân thủ các nguyên tắc về phát triển bền vững; phát triển kinh tế du lịch phải gắn với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường.
X.T (Ghi)