Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2020, dự kiến, toàn tỉnh có 56/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Sau gần 5 năm, diện mạo các vùng nông thôn có nhiều đổi mới.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2020, dự kiến, toàn tỉnh có 56/92 xã đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Sau gần 5 năm, diện mạo các vùng nông thôn có nhiều đổi mới.
Cơ bản đạt mục tiêu đề ra
Nghị quyết số 06 đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 53/94 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia. Thực hiện Nghị quyết số 894 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh đã thực hiện việc sáp nhập 2 xã Diên Lộc và Diên Bình thành xã Bình Lộc thuộc huyện Diên Khánh; đồng thời, đưa xã Vĩnh Thái thuộc TP. Nha Trang ra khỏi Chương trình NTM để phát triển lên thành phường. Như vậy, toàn tỉnh chỉ còn 92 xã thuộc chương trình. Đến tháng 9-2020, toàn tỉnh đã có 49/92 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm 7 xã được công nhận, lũy kế có 56/92 xã (chiếm 60,8%) được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 3 xã so với mục tiêu nghị quyết đề ra.
Đến cuối năm 2020, dự kiến số tiêu chí NTM đạt chuẩn bình quân chung của toàn tỉnh là 16,5 tiêu chí/xã, vượt mục tiêu nghị quyết 0,5 tiêu chí/xã. Đối với mục tiêu TP. Nha Trang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đến tháng 9-2020, Nha Trang có 7/7 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với các sở, ngành hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào cuối năm 2020.
Đời sống người dân được cải thiện
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ: Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng mới tạo diện mạo khang trang cho vùng nông thôn, hỗ trợ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, giúp đời sống nhân dân được cải thiện. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố; phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ... Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiền đề xây dựng ược các nhãn hiệu nông sản đặc trưng cho tỉnh như: Sầu riêng, chôm chôm Khánh Sơn; xoài Cam Lâm; táo Cam Thành Nam; bưởi da xanh Khánh Vĩnh...
Giai đoạn 2016 - 2019, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM gần 2.970 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng hỗ trợ cho vay, giải ngân đầu tư Chương trình xây dựng NTM. Đến tháng 7-2020, dư nợ cho vay Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh 11.285 tỷ đồng. |
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2019, từ nguồn vốn ngân sách các cấp trực tiếp hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 162 công trình giao thông, với tổng mức đầu tư hơn 152 tỷ đồng. Năm 2020, đã phân bổ gần 34,5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 33 công trình. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Khánh Hòa là một trong những tỉnh có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Nhằm hỗ trợ người dân khu vực nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã phân bổ gần 147,8 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương mua giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ chuyển đổi 1.630ha cây trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lãi suất vay vốn sản xuất diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, bỏ hoang nay đã chuyển mình, từng bước hình thành các vùng sản xuất với những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Ngoài thực hiện những chính sách chung, tỉnh còn có các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 27.392 hộ nghèo, chiếm 9,68%, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,06%, dự kiến cuối năm 2020 còn 2,18%. Về thu nhập, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng 8,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2016…
Nam Du