Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07, ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bộ mặt nông thôn miền núi trong tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07, ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, bộ mặt nông thôn miền núi trong tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Những kết quả khả quan
Thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức 188 lớp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho ĐBDTTS, với hơn 8.900 lượt người tham dự; hỗ trợ 1.740 hộ thực hiện các mô hình sản xuất, với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân vốn vay ưu đãi lãi suất cho 1.393 hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ với kinh phí 45 tỷ đồng. Việc thực hiện hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ cho hộ ĐBDTTS nghèo và cận nghèo đã tạo điều kiện cho các hộ đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã đầu tư xây dựng 33 giếng đào, 34 giếng khoan cùng bể chứa, lắng lọc cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào; hỗ trợ lắp đặt 10 hệ thống bơm nước, đường ống, đồng hồ nước cho 1.731 hộ; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 197 hộ ĐBDTTS nghèo; đào tạo nghề cho 3.260 lao động là người DTTS. Với việc triển khai kịp thời, đúng đối tượng, các chính sách an sinh xã hội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ổn định và phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh. Không chỉ vậy, để tăng cường nguồn lực hỗ trợ vùng cao, tỉnh còn phân công các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn tại các xã vùng ĐBDTTS và miền núi. Các đơn vị được phân công đã tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp hơn 25 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ ĐBDTTS ở các xã miền núi.
Theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, qua gần 5 năm (2016 - 2020) thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm còn 35,25%, bình quân giảm 9%/năm; thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt trên 14 triệu đồng/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015; số xã miền núi đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông là 26/48 xã (đạt 54,2%); tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 92,4%; tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,5%; tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt 93,7%; tỷ lệ hộ ĐBDTTS sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97%; tỷ lệ hộ ĐBDTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92,3%; tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên đạt 45,63%, trong đó lao động được đào tạo từ trung cấp trở lên đạt 27,17%... Dự kiến đến khi kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, chương trình sẽ cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy.
Thay đổi diện mạo vùng cao
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí hơn 143,2 tỷ đồng để đầu tư trực tiếp cho Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình 135 hơn 73 tỷ đồng, Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 152 tỷ đồng; vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 45 tỷ đồng và vốn huy động khác hơn 3,7 tỷ đồng để đầu tư phát triển KT-XH cho các vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. |
Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nếu như trước đây, khi nhắc đến miền núi, vùng có đông ĐBDTTS sinh sống, nhiều người vẫn nghĩ đó là nơi kinh tế kém phát triển, các hộ hầu hết là hộ nghèo. Hiện nay, suy nghĩ ấy không còn phù hợp, bởi ở các địa phương miền núi như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… hiện đã có nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là người DTTS.
Cùng với trợ lực từ Nhà nước, nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều hộ đã vươn lên khá giả, có của ăn của để nhờ biết cách trồng cây ăn quả, chăn nuôi…
Đến các địa phương miền núi bây giờ, thay đổi dễ nhận thấy nhất là kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, 100% xã vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm xã; các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, thông tin liên lạc thông suốt. “Đời sống ĐBDTTS đã thay đổi từng ngày, người ốm được chữa bệnh ở cơ sở y tế, trẻ em lớn lên được đi học, nhà nào cũng sắm được xe máy, có điện để xem ti vi, nghe đài. Đến mùa thu hoạch, xe đến tận rẫy chở nông, lâm sản đi tiêu thụ vì đường vào khu sản xuất đã được đổ bê tông”, ông Pi Năng Thiên (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) chia sẻ.
Hải Lăng