Để góp phần phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong cộng đồng người khiếm thị và hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2020, Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) và Hội Người mù Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc thi Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để góp phần phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong cộng đồng người khiếm thị và hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2020, Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) và Hội Người mù Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc thi Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc thi nhằm tạo nên sân chơi, diễn đàn cho người khiếm thị trên cả nước có cơ hội được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về vai trò của việc đọc và học tập suốt đời. Qua đó, phát triển năng lực tự học, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo, đọc và tự học trong phát triển trí tuệ, tâm hồn, nhân cách. Cuộc thi còn tiếp thêm động lực cho những người không may bị khuyết tật thị giác vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, các thí sinh khi tham dự cuộc thi sẽ phải trả lời các câu hỏi:
Câu 1:
Từ những tấm gương ham đọc và tự học của các danh nhân qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là tấm gương ham đọc và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tế của bản thân, anh (chị) cho biết những suy nghĩ của mình về vai trò của việc đọc và tự học đối với sự phát triển trí tuệ, hình thành nên con người có nhân cách, lối sống lành mạnh, có kỹ năng làm việc hiệu quả.
Câu 2:
Anh (chị) hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc đọc, nghe sách nói và tự học suốt đời. Anh (chị) có những đề xuất gì về các giải pháp, phương pháp gì để mọi người nói chung và người khiếm thị nói riêng có thể áp dụng trong việc đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Bác Hồ?
Câu 3:
Anh (chị) đã và sẽ làm gì để hỗ trợ những người khiếm thị đọc, nghe sách nói và học tập suốt đời?
Câu 4:
Kênh “Cùng bạn đọc sách” đã hỗ trợ cho anh (chị) tiếp cận với thông tin, tri thức và học tập suốt đời như thế nào? Những Clip giới thiệu sách và đọc sách nào anh (chị) ấn tượng/thích nhất? Tại sao? Anh (chị) có đề xuất gì để kênh “Cùng bạn đọc sách” có thể hỗ trợ và giúp cho người khiếm thị trong việc tiếp cận thông tin, tri thức và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời tốt hơn?
Để nâng cao chất lượng cuộc thi, Ban tổ chức yêu cầu bài dự thi phải trả lời đầy đủ các câu hỏi được đặt ra trong nội dung cuộc thi. Bài dự thi có thể một trong các hình thức viết tay, đánh máy hoặc bằng chữ nổi (độ dài tối thiểu 2.000 chữ, tối đa 5.000 chữ); ghi âm, quay clip (độ dài tối thiểu là 7 phút, tối đa 12 phút).
BTC sẽ nhận bài dự thi từ ngày 3/8-25/9 tại các địa chỉ Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL, 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Trung ương Hội Người mù Việt Nam (139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) hoặc địa chỉ email vanhoadockt@gmail.com.
Kết thúc cuộc thi, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba, 40 giải Khuyến khích cùng nhiều giải phụ khác sẽ được trao cho các cá nhân có bài dự thi xuất sắc.
Theo baochinhphu.vn